7 bí quyết cân bằng giữa việc học và làm thêm

Rất nhiều sinh viên làm việc bán thời gian để trang trải chi phí trong khi học. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời cho tương lai nhưng đôi khi bạn có thể gặp khó khăn để cân bằng giữa học và làm. Để tránh gặp phải tình huống này, hãy tham khảo ngay 7 bí quyết được chia sẻ từ Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn, một trong những trang web uy tín về tuyển dụng và tìm kiếm việc làm nhé!

Cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất tại Careerlink

Trung thực trong cuộc phỏng vấn

Trung thực ở đây là với chính mình và với nhà tuyển dụng. Để được nhận công việc, một số người sẵn sàng có ý định giấu diếm việc mình còn đi học, “ôm đồm” quá nhiều để rồi bỏ bê việc học hoặc không hoàn thành tốt công việc đã nhận. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến việc học mà còn làm bạn mất uy tín - điều cực kỳ quan trọng cho con đường sự nghiệp về sau. Vậy nên, hãy giải thích rằng bạn còn đi học và chỉ có thể làm việc trong một khoảng thời gian nhất định. Nói rõ ngay từ đầu giúp bạn dễ dàng cân bằng mọi thứ và cũng cho thấy bạn là người có kỹ năng quản lý thời gian.

Lên kế hoạch từ trước

Hãy tạo ra các ghi chú. Khi bắt đầu học kỳ, hãy nhìn vào lịch trình và suy nghĩ về các giai đoạn bạn có nhiều bài thuyết trình hoặc kiểm tra. Nếu bạn nghĩ rằng mình sẽ rất căng thẳng vào thời gian đó, hãy lên kế hoạch xin nghỉ phép từ trước. Hãy chắc chắn rằng bạn biết cách sắp xếp thời gian để hoàn thành một bài luận hoặc thực hiện các bài thuyết trình quan trọng.

Tìm các việc làm theo ca

Cần tính toán xem mức độ thường xuyên bạn có thể làm việc mà không chịu áp lực của học hành, chẳng hạn là các ngày cuối tuần hoặc các ca làm việc ngắn để phù hợp với thời gian biểu của bạn. Làm việc theo ca vào cuối tuần giúp việc cân bằng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Nếu bạn không thể tìm được một vị trí như thế này, hãy tìm một công việc mà bạn có thể linh hoạt về giờ giấc.   

Luôn nhớ rằng việc học là chính

Công việc bán thời gian chỉ được cho là để tạo điều kiện cho việc học của bạn, thế nên đừng tập trung tất cả sự chú ý vào công việc mà không dành đủ thời gian để hoàn thành việc học một cách tốt nhất với khả năng của bạn. Nếu thấy việc học bị lơ là, hãy giảm số giờ làm việc.

Cố gắng tìm công việc có liên quan với ngành học càng tốt

Khi làm thêm, nếu tìm được một công việc ít nhiều liên quan đến ngành học sẽ giúp ích rất nhiều không chỉ hiện tại mà cả tương lai. Ngoài việc kiếm được thu nhập, bạn cũng sẽ được gặp gỡ nhiều người mới, rèn luyện được kiến thức và các kỹ năng cần thiết có tác động đến sự nghiệp lâu dài của bạn. Nếu bạn làm công việc có liên quan, nghĩa là bạn đã có sự “khởi đầu” trước một bước.

Hãy tiết kiệm khi có thể

Đừng dại “phung phí” hết sạch các khoản tiền. Nếu có thể, hãy để dành một khoản kha khá để phòng khi đến thời điểm bận rộn cho việc học và không thể đi làm. Như vậy, bạn vẫn an tâm học hành để đạt kết quả tốt mà vẫn đảm bảo có tiền chi tiêu, đồng thời tạo thói quen tiết kiệm khi làm việc toàn thời gian sau này.

Nhìn vào những lợi ích của công việc để tạo động lực

Vừa học vừa làm thật sự không đơn giản. Có thể nhiều lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ việc hoặc đơn giản là không yêu thích công việc... Những lúc như vậy, hãy nghĩ đến điểm tích cực mà công việc mang lại cho bạn cả trong hiện tại và tương lai để tiếp tục. Có được mức lương thường xuyên sẽ cho phép bạn chi nhiều tiền hơn cho những thứ bạn muốn. Hoặc làm thêm cũng là cách tuyệt vời để học các kỹ năng mới sẽ khiến CV của bạn trở nên hấp dẫn hơn. Đó là nền tảng, là động lực giúp bạn tạo sự cân bằng giữa học và làm tốt hơn.

MỚI - NÓNG