8 kiến nghị sau mùa thi

8 kiến nghị sau mùa thi
Giờ đây với sự ủng hộ hết sức mạnh mẽ của dư luận xã hội, ngành giáo dục có thời cơ thuận lợi để mở cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử"...
8 kiến nghị sau mùa thi ảnh 1
Thí sinh dự thi đại học 2006. Ảnh: Hồng Vĩnh

Trong một bài viết gần đây "Thi cử không là chuyện riêng của ngành giáo dục", tôi có bày tỏ nỗi khắc khoải trông chờ chắc không phải của riêng mình: "Liệu kỳ thi tuyển sinh đại học đầu tháng 7/2006 này, những kỳ vọng của chúng ta (về một kỳ thi nghiêm túc) đã có thể trở thành hiện thực?".

Câu hỏi đã có lời đáp - một lời đáp tích cực. Trước áp lực dữ dội nhưng chính đáng của xã hội, cuộc thi năm nay tuy vẫn còn cồng kềnh, tốn phí sức lực tiền bạc của cả Nhà nước lẫn nhân dân, nhưng về cơ bản đã "xuôi chèo mát mái".

Tuy còn ý kiến eo xèo về đề thi trắc nghiệm tiếng Anh nhưng mọi khâu tổ chức được thực hiện nghiêm. Có thể đây đó còn để lọt lưới nhưng những hiện tượng quay cóp đã bị xử lý kịp thời, kể cả với quan chức cấp cao. Nhiều phương thức thủ đoạn gian lận ranh ma quỷ quái từ cổ điển đến siêu hiện đại "tiếp cận công nghệ cao" đã bị phát hiện...

Thành công của cuộc thi năm nay đáng được khẳng định. Nó chứng tỏ một sự thật rất có ý nghĩa: chúng ta đủ sức thực hiện những mùa thi nghiêm túc. Vấn đề là có muốn làm hay không và có đủ tinh thần trách nhiệm trước nhân dân để làm hay không.

Tất nhiên chưa thể chủ quan, thỏa mãn với thắng lợi này. Bởi lẽ trong cuộc đấu tranh với tiêu cực - chỉ riêng trong lĩnh vực thi cử của mọi cấp học, trước đây chúng ta liên tục bị sút "cháy lưới", vì thế đây mới chỉ là bàn gỡ danh dự đầu tiên.

Ý nghĩa quan trọng ở chỗ cú giáng trả tích cực này là tín hiệu đẹp cho một xu thế làm ăn mới, nghiêm chỉnh và đúng đắn, để trả lại cho việc tuyển "hiền tài" sự trung thực, trong sáng lành mạnh vốn có và cần có.

Tôi đồng ý với cách đặt vấn đề sòng phẳng, thẳng thắn của ông tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo: Nếu không giải quyết triệt để thì "tiêu cực này sẽ trở thành một đại họa của dân tộc".

Có thể khẳng định, giờ đây với sự ủng hộ hết sức mạnh mẽ của dư luận xã hội, ngành giáo dục có thời cơ thuận lợi để mở cuộc vận động "Nói không với tiêu cực trong thi cử".

Đã có chủ trương ắt đã nghĩ đến biện pháp. Tôi cả tin tân Bộ trưởng và bộ máy chuyên viên đông đảo lâu nay chưa vận hành hết công năng của ngành giáo dục đã và sẽ có quyết sách toàn diện. Ở đây chỉ xin bàn góp 8 điều.

- Trước hết cần giải quyết dứt điểm những vụ việc tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu ai đã theo dõi tình hình lâu nay sẽ không ngạc nhiên khi thấy lãnh đạo ngành giáo dục Hà Tây đã "dùng chổi lông gà phủi bụi" bám quanh thi cử gian lận ở Phú Xuyên A, Xuân Mai, Đông Quan. Có thể chấp nhận cách làm "cho xong" ấy được không?

Rõ ràng lãnh đạo Đảng và chính quyền tỉnh cũng như lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo phải ra tay. Để kỷ cương phép nước được thực thi thỏa đáng và để làm gương răn mình cho cả nước.

- Thứ hai, cần chỉnh đốn, kiện toàn các cấp lãnh đạo giáo dục, từ trường đến huyện, thị; từ tỉnh, thành đến cơ quan bộ. Quan chức nào đó năng lực bất cập và tinh thần trách nhiệm yếu kém phải kiên quyết thay thế, nghỉ việc, cách chức.

- Thứ ba, cần có đợt sinh hoạt tư tưởng sâu rộng trong toàn ngành giáo dục. Nội dung sinh hoạt không nên rườm rà, to tát mà cần thiết thực, cụ thể, để khơi dậy lương tâm trách nhiệm của người thầy, khắc phục sự yếu đuối, rụt rè, mặc cảm cố hữu của số đông, cũng như thái độ hững hờ, vô cảm của một bộ phận nhỏ giáo viên.

Thử tưởng tượng nếu trường nào, địa phương nào cũng có những người nhiệt tâm, dũng cảm thì tệ nạn gian lận, bệnh chạy theo thành tích, giá trị ảo làm sao có đất để phát triển?

- Thứ tư, cần đổi mới hoạt động của Đoàn TNCS trong trường học cũng như nội dung phương thức giáo dục đạo đức ở các cấp học. Hãy giảm thiểu những vấn đề cao xa, lớn lao mà nên kiên trì bồi đắp cho các em lòng trung thực, tinh thần tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, như Abraham Lincoln (1801 - 1865), tổng thống thứ mười sáu của Hoa Kỳ đã thiết tha đề nghị thầy hiệu trưởng của trường con trai ông đang theo học: "Xin thầy dạy cho cháu biết thà rằng bị điểm kém còn hơn là gian lận trong thi cử".

Mặt khác, người học ở bất cứ lớp nào, cấp học nào cũng cần được rèn luyện đến mức trở thành thói quen tự nhiên tính nghiêm túc, tinh thần tự chủ tự lập trong các kỳ kiểm tra, thi cử dù lớn hay nhỏ.

- Thứ năm, nên nhanh chóng giảm bớt sự nặng nề, cồng kềnh trong thi cử. Không ít ý kiến đề nghị lồng ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH - CĐ. Đề nghị này rất đáng được cân nhắc.

Tất nhiên một số ngành trọng yếu (các lớp cử nhân tài năng, các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, các trường ĐHSP và y khoa...) có thể có thêm cuộc thi tuyển với những yêu cầu chuyên biệt và cao hơn.

Không kể những trường đòi hỏi năng khiếu nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, sân khấu...), trường sư phạm cũng cần có thi vấn đáp (để kiểm tra khả năng diễn đạt, phát âm) và có yêu cầu riêng về ngoại hình (những người có dị tật sẽ gặp khó khăn khi đứng lớp).

- Thứ sáu, nên khẩn trương và kiên quyết thay đổi phương thức thi. Từ kinh nghiệm bước đầu của bài thi trắc nghiệm tiếng Anh năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT hè 2007 sắp tới nên tiến hành đồng loạt thi trắc nghiệm.

Về mặt nhân sự, nếu Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục không đủ sức đảm đương, nên tập hợp chuyên gia của các đơn vị khác để tiến hành xây dựng cấp tập "ngân hàng đề thi".

Về hướng làm đề, nên hết sức hạn chế những câu đòi hỏi học thuộc lòng và chủ yếu khơi gợi nơi thí sinh sự suy luận, phân tích thông minh.

Có thể có bộ môn cũng cần thi tự luận, môn Văn chẳng hạn. Nhưng hướng ra đề cần chuyển đổi mạnh. Không nên chỉ ra đề nghị luận văn học (sẽ rất ít dùng khi vào đời) mà nên thiên về nghị luận xã hội, để có thể hiểu tâm trạng, hoài bão, lý tưởng, vốn sống của lớp trẻ đến tuổi thành niên.

Nếu ra đề nghị luận văn học, nên hết sức tránh lối mòn "bình giảng một đoạn thơ", "phân tích một nhân vật"... đã quá nhàm chán. Cách ra như thế chỉ có lợi cho các đầu nậu làm sách văn mẫu, các lò luyện thi dạy tủ và giới làm "phao" tung tẩy kiếm chác.

- Thứ bảy, nên mở ra những con đường rộng lớn để thế hệ trẻ lập nghiệp, tiến thân. Cấu trúc đào tạo nghề của chúng ta hiện nay thực chẳng giống ai. Đào tạo kỹ sư nhiều hơn thợ kỹ thuật, bác sĩ nhiều hơn y tá, y tá nhiều hơn hộ lý. Có nên nhanh chóng đảo ngược cấu trúc nói trên? Và nên tạo điều kiện để tất cả có thể tự học hoặc học tại chức.

Y tá có thể trở thành bác sĩ, thợ giỏi có bằng cấp kỹ sư. Chỉ có điều, dù học theo hình thức gì, khi thi cũng chung một chế độ, tuân thủ chung một yêu cầu.

Đường đi có thể vòng vèo, xa hơn, vất vả hơn nhưng bất cứ ai nếu có khát vọng tiến bộ, khẳng định bản thân, chiếm lĩnh khoa học, đều có thể đạt được nguyện ước.

- Thứ tám, cuộc vận động lớn này chắc chắn sẽ ít kết quả, thậm chí thất bại, nếu là hành trình đơn độc của ngành giáo dục. Phải coi đây là nhiệm vụ không thể thoái thác của toàn xã hội, người chủ trì cầm trịch phải là lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp.

Các tổ chức chính trị xã hội trong Mặt trận Tổ quốc phải vào cuộc, để tiến hành vận động, thuyết phục sâu rộng, có lý có tình trong toàn thể nhân dân.

Chúng ta ai cũng đau đáu đón chờ vận hội mới của đất nước. Không thể sốt ruột rồi đốt cháy giai đoạn, nhưng cần khẩn trương chấn chỉnh, đổi mới, nâng cấp mọi hoạt động của ngành. Liệu có nên coi việc "lành mạnh hóa thi cử" là bước đột phá mang tính quyết định cho hành trình gian khổ nói trên?

Tôi cả tin, thắng lợi của cuộc vận động này sẽ tác động tích cực đến tình cảm nghề nghiệp của người thầy, nhân cách của học sinh, kỷ cương của trường học và xã hội; đồng thời sẽ tạo đà cho sự đổi mới sâu sắc cả hai phương diện dạy và học cũng như mọi hoạt động còn đang trì trệ của ngành GD. Nên, nên lắm, nhưng phải rất quyết tâm và không "đánh trống bỏ dùi".

16/7/2006

PGS Trần Hữu Tá
Theo Thanh Niên

MỚI - NÓNG