866.000 thí sinh làm thủ tục dự thi THPT tại 2.364 điểm thi

TPO - Chiều nay 21/6, thí sinh sẽ đến các điểm thi làm thủ tục, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia diễn ra vào ngày 22-24/6. 

Chiều 21/6, khoảng 866.000 thí sinh cả nước sẽ tập trung tại các điểm thi THPT quốc gia để làm thủ tục và đính chính sai sót (nếu có). 

 Thí sinh phải xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân và nhận Thẻ dự thi. Nếu phát hiện sai sót về họ, tên đệm, tên, ngày, tháng, năm sinh, đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên, các em cần báo ngay cho cán bộ của Điểm thi để xử lý.

 Sau khi thí sinh có mặt đông đủ tại phòng thi, cán bộ coi thi sẽ nhắc lại lịch thi, phổ biến quy chế như: đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi đó; 10 phút sau khi phát đề phải kiểm tra và báo lỗi đề thi. Những lỗi thiếu trang, rách, hỏng, nhòa, mã đề trong các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp khác nhau, thí sinh phải báo cáo ngay để kịp thời xử lý.

 Do hầu hết môn thi trắc nghiệm, thí sinh sẽ được giám thị hướng dẫn cặn kẽ việc làm bài. Các em chỉ được tô bằng bút chì đen ô số báo danh, ô mã đề thi và ô trả lời. Trường hợp tô nhầm hoặc muốn thay đổi câu trả lời, cần tẩy sạch chì ở ô cũ, rồi tô ô mình lựa chọn.

 Kỳ thi THPT quốc gia 2017 có các bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, chỉ bài thi môn Ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm.

Mỗi bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội có 120 câu hỏi với 4 lựa chọn, với duy nhất một phương án đúng. Thời gian làm bài thi trắc nghiệm 150 phút. Bài thi ngoại ngữ gồm 50 câu, thời gian làm bài 60 phút. Riêng môn Toán có 50 câu hỏi trắc nghiệm, thời gian làm bài 90 phút.

Theo lý giải của Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, khái niệm “tổ hợp” chỉ là sự thay đổi về kỹ thuật để ghép 3 môn thành một bài thi, nhằm giảm bớt thời gian thi.

Khoảng 60% thí sinh dự thi sẽ trúng tuyển đại học

Theo số liệu của Bộ GD&ĐT, năm nay, khoảng 866.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 75% (hơn 640.000 em) thi để lấy kết quả xét tuyển vào đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học và cao đẳng sư phạm thuộc Bộ GD&ĐT là 392.000. Vậy, hơn 60,3% thí sinh dự thi sẽ trúng tuyển đại học.

Nếu năm trước mỗi thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường (mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng) thì năm nay không có giới hạn. Thí sinh có thể đăng ký một loạt ngành từ các trường có điểm chuẩn cao đến thấp nên mới có trường hợp một thí sinh đăng ký tới 48 nguyện vọng. Điều này giúp thí sinh tăng khả năng trúng tuyển.

60% câu hỏi ở mức độ cơ bản

Đề thi THPT quốc gia 2017 sẽ có kết cấu 60% câu hỏi ở mức độ cơ bản phục vụ cho việc xét tốt nghiệp, 40% câu hỏi ở mức độ phân hóa phục vụ việc xét tuyển vào cao đẳng, đại học.

Các câu được sắp xếp từ dễ đến khó, giúp các em không phải mất công đọc toàn bộ đề thi mà làm tuần tự từ đầu đến cuối, tránh việc lãng phí thời gian hay mất cân bằng của học sinh.

Thí sinh lưu ý, phải làm hết môn thành phần của bài thi tổ hợp, nếu không sẽ trượt tốt nghiệp. Thí sinh không nộp lại đề môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Sinh học, Giáo dục Công dân; nộp lại đề môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý.

Mỗi phòng thi có 24 mã đề khác nhau

Những năm trước, kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức chủ yếu ở các thành phố lớn, mỗi phòng thi có 6 mã đề. Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức ở 63 tỉnh thành phố trong cả nước.

Trước lo ngại về tính an toàn của kỳ thi, Bộ GD&ĐT quy định mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng. Cụ thể, một phòng thi sẽ có 24 mã đề khác nhau nhằm hạn chế tình trạng quay cóp, trao đổi khi làm bài trắc nghiệm.

Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định trong kỳ thi này, các khâu đều quan trọng bởi chỉ cần sơ hở nhỏ là sẽ ảnh hưởng lớn đến kỳ thi. Do vậy, bộ đã nhắc nhở các trường đại học phối hợp, các địa phương phải hết sức thận trọng thực hiện đúng theo quy chế. Công tác in sao đề áp lực hơn do số lượng tăng. Các khâu từ đề thi, coi thi, chấm thi đều có bộ phận an ninh giám sát, chặt chẽ.

4 tỉnh có lượng thí sinh đông nhất

 

Bộ GD&ĐT vừa công bố thống kê số lượng điểm thi, phòng thi của từng địa phương trong cả nước. Theo đó, toàn quốc sẽ có 866.005 thí sinh dự thi tại 2.364 điểm thi với 36.382 phòng thi.

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng điểm thi nhiều nhất, 114 điểm thi. Hà Nội và Thanh Hóa cùng có 112 điểm thi. Địa phương có lượng điểm thi ít nhất là tỉnh Kon Tum với 13 điểm thi.

Năm nay, cả nước huy động hơn 90.000 cán bộ nhân viên tham gia tổ chức kỳ thi. Trong đó, riêng số cán bộ, giảng viên từ các trường ĐH trên cả nước là 39.640 cán bộ, giảm hơn 20.000 cán bộ so với năm 2016.

Hà Nội và TP. HCM là 2 thành phố có số lượng thí sinh đông nhất lần lượt là 72.939 và  71.469. Tiếp đến là các tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa với số lượng thí sinh lần lượt là 33.522 và 30.966.

Lưu ý trong phòng thi

Thí sinh phải làm hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp, nếu không sẽ trượt tốt nghiệp. Không nộp lại đề môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Sinh học, Giáo dục Công dân. Nộp lại đề môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý

Thí sinh không được mang máy tính có chức năng soạn thảo văn bản và có thẻ nhớ.

MỚI - NÓNG