90-95% ngân sách GD dùng để trả lương cho giáo viên

90-95% ngân sách GD dùng để trả lương cho giáo viên
Ngân sách đầu tư cho giáo dục phần lớn dùng để chi lương giáo viên (từ 90 - 95%), trong khi ngân sách mua sắm thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm lại chiếm rất ít... Chi không hợp lý dẫn đến chất lượng GD luôn trong vòng luẩn quẩn.

Đó là nhận định của nhiều đại biểu dự buổi tọa đàm về cơ chế, chính sách tài chính trong lĩnh vực GD - ĐT, do Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, UNDP và Ủy ban Văn hóa, GD, Thanh thiếu niên Nhi đồng (UBVH GD TTNNĐ) của Quốc hội tổ chức ngày 26/3, tại Hà Nội.

Theo Bộ GD - ĐT,  việc triển khai nghị định về quyền tự chủ tài chính trong trường học (nghị định 10/NĐ-CP) còn gặp nhiều khó khăn. Một thực tế, trong những gần đây ngân sách nhà nước đầu tư cho GD có tăng, nhưng vấn đề chất lượng thì lại ít có dấu hiệu chuyển động - ông Lê Minh Hồng, phó Chủ nhiệm UBVH GD TTNNĐ của Quốc hội nói.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nguyễn Lương Trào so sánh, cơ chế và định mức phân bổ ngân sách cho dạy nghề hiện nay còn nhiều bất cập. Cụ thể như: mức ngân sách bố trí cho dạy nghề chỉ chiếm 3,24% thấp hơn nhiều so với ĐH, CĐ và THCN; định mức chi giáo viên/ học sinh, định mức chi thực hành... chưa thực tế.

Cần phải có các văn bản dưới luật quy định rõ cơ chế quản lý tài chính; tăng cường giám sát việc thực hiện cơ chế công khai ngân sách, định mức phân bổ dự toán chi cho GD - ĐT.

Về cơ chế tự chủ cần có chính sách đồng bộ khi triển khai: có chế độ miễn giảm học phí thì cũng cần phải có cơ chế hỗ trợ ngân sách nhà nước để đảm bảo cho các trường có nguồn thu ổn định, không quá chênh lệch...Đây là kiến nghị của Bộ GD - ĐT đặt ra với các ngành chức năng.

MỚI - NÓNG