Tiếp vấn đề loạn thu đầu năm học:

Ai đứng sau "Ban phụ huynh"?

Ai đứng sau "Ban phụ huynh"?
TP - Với nhiều cha mẹ học sinh, “ban phụ huynh” là một vị trí nhạy cảm. Hoạt động “tích cực” thì dễ bị mang tiếng với các phụ huynh khác. Nhưng nếu tỏ ra thận trọng thì lại bị nhà trường cho là “kém hiệu quả”.
Ai đứng sau "Ban phụ huynh"? ảnh 1

Nỗi niềm ai tỏ…

Chị T.V.H - Phụ huynh học sinh trường Tiểu học Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - kể: “Tôi từng được bầu vào Ban phụ huynh lớp. Nhưng chỉ sau 2 năm, tôi phải tìm cách rút lui”.

Theo chị H., khi còn ở trong Ban phụ huynh, thỉnh thoảng chị lại được nhà trường (hoặc trực tiếp, hoặc thông qua giáo viên chủ nhiệm) gợi ý thu tiền phụ huynh để khi thì mua cái này, khi thì mua cái khác cho nhà trường.

Chị H. nói: “Nhà trường luôn có nhu cầu mua sắm. Học kỳ này thì nhà trường bóng gió rằng, cây cảnh chết hết làm xấu cảnh quan trường, thế là Ban phụ huynh lại họp để bàn việc mua cây cảnh thay thế; học kỳ sau thì “các cháu cần ti vi”...

Không chỉ trường Lê Văn Tám mà phụ huynh nhiều trường khác cũng đã kể với Tiền phong cách nhà trường “móc túi” cha mẹ học sinh.

Anh P.N.G - Cựu phụ huynh học sinh một trường tiểu học thuộc loại “đắt giá” của quận Hai Bà Trưng – cho biết:

“Cứ mỗi lần họp phụ huynh, lãnh đạo nhà trường lại dẫn Ban phụ huynh đi thăm một phòng học cũ dột nào đó rồi tỏ ra âu sầu, muốn sửa để các con có chỗ ngồi học khang trang, đàng hoàng mà “lực bất tòng tâm”. Nghe vậy, Ban phụ huynh lại phải đặt vấn đề đóng góp với các phụ huynh khác trong lớp”.

Một phụ huynh kể: “Tôi có 2 con học ở 2 trường khác nhau (một trường thuộc quận Hoàn Kiếm, một trường ở quận Hai Bà Trưng). Vì cơ quan tôi thuộc ngành “có tiếng, có miếng” nên tôi cứ được bầu vào Ban phụ huynh.

Qua đó tôi thấy hiệu trưởng ở 2 trường đó đều nhiều tham vọng và giỏi “vẽ vời”. Nay trường cần nâng cấp phòng máy, mai trường cần trang bị rèm cửa sổ cho các lớp học hoặc mua thêm quạt, hoặc lắp thêm đèn...

Mà cái nào cũng đều phục vụ “con em chúng ta”. Thế là tổng số tiền cứ chia đều cho các phụ huynh đóng góp.

Chỉ tội cho những HS có hoàn cảnh thường thường bậc trung mà lại học chung lớp chung trường với những HS con nhà có chút máu mặt! ”.

Những phụ huynh “của người phúc ta”

Bên cạnh những bậc cha mẹ có lương tâm, có trách nhiệm và hiểu biết còn một số người khác hoạt động rất tích cực trong Ban phụ huynh với động cơ vụ lợi.

Thông thường, đó là những người hoàn cảnh kinh tế tương đối khá giả. Tuy nhiên, sự ích kỷ và kém hiểu biết của họ đã đẩy nhiều phụ huynh khác vào thế “bắt buộc phải tự nguyện”.

Một phụ huynh có con học lớp B2 (năm học 2006 – 2007) trường mẫu giáo dân lập Liễu Giai phản ánh, tiền đóng cho quỹ phụ huynh lớp này mỗi năm khoảng 200.000 đ/HS (lớp có 39 HS).

Theo một số phụ huynh, số tiền này được Ban phụ huynh lớp B2 (năm học 2005 – 2006 là C2) “rải từ cổng rải vào”. Không chỉ giáo viên phụ trách lớp, nhân viên trông xe cũng có quà.

Những việc lẽ ra là trách nhiệm của nhà trường thì Ban phụ huynh này cũng đã “gánh hộ” (mua thảm nền cho các bé). Năm học này, theo kế hoạch chi của Ban phụ huynh lớp B2 thì quỹ này tiếp tục được chi vô tội vạ.

Ở những trường khác, chỉ có mấy ngày lễ tết quan trọng (20/11, Tết cổ truyền, 8/3), Ban phụ huynh mới phải chi tiền mua hoa, “phong bì” cho giáo viên, cho lãnh đạo nhà trường.

Đằng này, hễ có lễ - tết là Ban phụ huynh lớp B2 lại có cơ hội chi tiền: 2/9, Tết Dương lịch, Tết cổ truyền, 8/3, 30/4, 1/5 và bế giảng. Đối tượng được tặng quà không chỉ giáo viên mà cả nhân viên lao công.

Hiện tượng như trên cũng khá nhiều ở các trường khác (công lập cũng như ngoài công lập). Một phụ huynh trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết: “Gọi là Ban phụ huynh nhưng họ chỉ trao đổi với chúng tôi trong vài lần họp phụ huynh/năm. Họ chẳng biết ai trong số phụ huynh của lớp.

Thế nhưng cứ thỉnh thoảng lại nhân danh Ban phụ huynh để huy động đóng góp. Họ cứ nghĩ, họ chi được, những người khác cũng phải chi được mà không biết người khác đánh giá khoản chi đó có hợp lý hay không, hoàn cảnh người khác có dư giả được như mình hay không!”.

Hiện nay, hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (Ban phụ huynh) chưa có những quy định cụ thể. Vì thế, nhiều phụ huynh muốn thắc mắc cũng chẳng biết căn cứ vào đâu.

Hơn nữa, đại đa số phụ huynh đều ngầm hiểu Ban phụ huynh là “cánh tay” của nhà trường. Thực tế đúng như vậy, nhiều Ban phụ huynh tuy đại diện cho quyền lợi phụ huynh và học sinh khác nhưng lại làm những việc “của người phúc ta”.

Còn nhà trường thì lợi dụng Ban phụ huynh để làm bình phong cho những khoản thu sai trái. 

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu làm rõ tình hình thu tiền của tất cả các trường học trong thành phố

Sau loạt bài về loạn thu trong nhà trường trên báo Tiền phong, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Tiến Đoàn đã yêu cầu Phòng Kế hoạch tài chính thống kê tất cả thu chi của hơn 1.000 trường học trên địa bàn thành phố.

Trong tuần này, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra trực tiếp ở một số trường về việc thu chi, đặc biệt là ở những trường được báo chí nêu đích danh.

Quan điểm của lãnh đạo Sở GD&ĐT là không khoan nhượng với những đơn vị sai phạm. Trước hết yêu cầu trả lại. Sau đó tùy theo mức độ để kỷ luật các cá nhân có trách nhiệm.

Trong thời gian qua, báo Tiền phong tiếp tục nhận được nhiều đơn thư của bạn đọc phản ánh tình trạng thu tiền phụ huynh ở các trường. Do không thể đăng tải hết những thông tin này, chúng tôi sẽ chuyển đơn của bạn đọc tới bộ phận chức năng Sở GD&ĐT Hà Nội xử lý.

Để giúp Sở GD&ĐT Hà Nội nắm được tình hình thu chi của tất cả các trường học trong địa bàn thành phố, Tiền phong kính đề nghị quý bạn đọc tiếp tục cung cấp thông tin.

Đơn, thư xin gửi về địa chỉ Tổ Giáo dục, báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Địa chỉ email: quyhienngoc@yahoo.com. Điện thoại: 0913519353.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.