Ám ảnh các khoản “thu hộ” đầu năm học

Vào đầu năm học, đi cùng nỗi lo về điều kiện học tập của con cái, các bậc phụ huynhcòn có một nỗi lo về các khoản học phí, phụ phí phải đóng góp (ảnh có tính minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn
Vào đầu năm học, đi cùng nỗi lo về điều kiện học tập của con cái, các bậc phụ huynhcòn có một nỗi lo về các khoản học phí, phụ phí phải đóng góp (ảnh có tính minh họa). Ảnh: Hải Nguyễn
Chủ nhật, ngày 21/9, nhiều trường phổ thông các cấp tổ chức họp phụ huynh. Nỗi “khiếp sợ” của phụ huynh chính là các khoản thu dài dằng dặc được đưa ra.

Học phí thì ít, nhưng phụ phí thì đội lên gấp nhiều lần và trở thành gánh nặng của các bậc cha mẹ. Câu hỏi đặt ra mà chưa có lời giải đáp là: Cơ sở nào phát sinh ra những khoản thu này và khi nào nạn lạm thu sẽ được chấn chỉnh để chấm dứt những ám ảnh đầu năm học mới?

"Ngậm bồ hòn làm ngọt" dù rất ngán ngẩm

Sở GDĐT Hà Nội đã quy định rất rõ về việc không được thu thêm các khoản nào khác ngoài học phí nhưng các trường vẫn "vẽ" ra rất nhiều khoản để thu. Điển hình như Trường Mầm non Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), các cháu còn chưa biết chữ nhưng đã được nhà trường yêu cầu học các môn nhằm để thu tiền như: Tiếng Anh 200.000đ/tháng; năng khiếu 60.000đ/tháng.

Ngoài ra còn có các khoản thu khác như chăm sóc bán trú 150.000đ; trang bị phục vụ bán trú 150.000đ... khiến một học sinh mầm non học trường này phải đóng tối thiểu gần 1 triệu đồng/ tháng. Cháu nào không đóng thì bị tách ra khỏi lớp, dẫn đến tình trạng cháu học cháu không, khiến trẻ không học năng khiếu bị tổn thương. Vì vậy chẳng cha mẹ nào không dám đóng tiền.

Chị H một phụ huynh học sinh có con học trường này cho biết: "Ban đầu không cho con đi học "năng khiếu" vì trẻ con 3-5 tuổi ăn chưa xong, chữ chưa biết thì học gì tiếng Anh nhưng đến giờ học, cô giáo tách các bạn đăng ký học ra, chỉ có vài bạn không đăng ký thì bị bỏ vào phòng chơi riêng trông các con lủi thủi tội nghiệp lắm nên đành phải cho con học".

Một phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học V.V.H (Q.9, TPHCM) cho biết ngay đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm đã đề nghị mỗi học sinh đóng 400.000đ để mua tivi phục vụ học tập. Theo tính toán của phụ huynh này, lớp có 35 cháu, số tiền thu được là 14 triệu đồng, trong khi tivi chỉ khoảng 7-8 triệu đồng nhưng không thấy cô giáo giải thích khoản dư ra sử dụng vào đâu. Ngoài ra, mỗi học sinh còn phải đóng thêm những khoản lặt vặt khác như đôi dép 30.000đ, ghế ngồi 70.000đ…

Theo thông báo thu chi đầu năm của Trường THCS B.Đ (Q.3) có tới 12 khoản thu hộ, chi hộ phụ huynh phải đóng như: Học phí tiếng Anh tăng cường 45.000đ; phí phục vụ bán trú 52.000đ; phí vệ sinh 12.000đ; học vi tính 15.000đ; nước uống 7.500đ; truy bài bán trú 67.500đ; học với thầy nước ngoài 112.500đ; thu đầu năm 633.000đ… và một loạt các khoản thu khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, phù hiệu, sổ liên lạc - báo bài, phiếu báo điểm - học phẩm, phiếu mẫu vật thực hành...

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, phụ huynh Trường THCS Colette (Q.3) đã thông báo nhiều khoản thu hộ - chi hộ lên đến hàng trăm nghìn như quỹ trường 500.000đ; quỹ lớp 600.000đ; phí gắn máy lạnh 500.000đ; đồng phục 250.000đ; balô trường bán 270.000đ; giấy bao tập 50.000đ... Điều đáng lưu ý là chỉ trừ khoản tiền học phí, các khoản tiền còn lại nhà trường chưa bao giờ phát biên lai thu tiền cho học sinh mang về đưa phụ huynh xem.

Ám ảnh các khoản “thu hộ” đầu năm học ảnh 1

Học ngoại ngữ của các em cũng là một khoản thu khiến danh sách các khoản phí đầu năm dài thêm (ảnh minh họa). (Ảnh: Hải Nguyễn)

Tại một trường mầm non ở Q.3, phụ huynh được phát phiếu thông báo đóng tiền đầu năm gần 2 triệu đồng với 14 khoản thu. Theo phản ánh của nhiều phụ huynh, có vô vàn khoản thu ngoài quy định. Tuy nhiên, giáo viên không trực tiếp đứng ra yêu cầu mà thường do ban phụ huynh hô hào.

Chị Hoàng Thu - phụ huynh Trường mầm non N.S (quận Thủ Đức) cho biết có khoản tiền “nâng cao chất lượng” tới 300.000đ. Tuy trên giấy ghi không bắt buộc nhưng lại có ghi chú “phụ huynh nào không đóng thì ghi ý kiến vào giấy” thì không khác nào gây sức ép tâm lý buộc phụ huynh phải đóng.

"Lên gân" nhiều, làm được bao nhiêu?

Nếu như lạm thu là bức xúc của nhiều phụ huynh vào mỗi đầu năm thì những lời hứa từ ngành giáo dục các địa phương cũng trở nên… quen thuộc và nhàm chán.

Mới đây nhất, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội khẳng định, khi phát hiện dấu hiệu sai phạm thu chi học phí cũng như khoản phí khác, phụ huynh học sinh hoàn toàn có thể gọi điện trực tiếp phản ánh.

Phụ huynh chỉ cần nêu tên trường cụ thể, Sở GDĐT Hà Nội sẽ xử lý nghiêm khắc thế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy sở này có báo cáo gì về việc lạm thu đầu năm của các trường.

Tại TPHCM tình hình cũng không khả dĩ hơn, Sở GDĐT TPHCM cũng tỏ ra rất quyết liệt trong việc chấn chỉnh thu chi đầu năm bằng việc quy định rõ một số những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, nhưng trên thực tế năm nào cũng xuất hiện vô vàn những khoản “thu hộ” dưới danh nghĩa thỏa thuận mà nhiều khi phụ huynh bị “ép” phải đóng “tự nguyện”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Các khoản thu phải có sự đồng thuận của phụ huynh Các trường phải công khai, thống nhất với phụ huynh về các khoản đóng góp. Nếu có sự bất thường trong thu, chi thì phụ huynh chính là “kênh” giám sát quan trọng, trung thực nhất. Bộ GDĐT đã quy định rõ những khoản thu như mua áo quần đồng phục, phù hiệu, vở học tập mang tên trường...

Riêng khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh như tiền ăn, chăm sóc bán trú, nước uống..., nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi trên nguyên tắc thu đủ bù chi.

Đặc biệt, các trường không được tùy tiện lập các quỹ để ép buộc học sinh đóng góp dưới danh nghĩa đóng góp tự nguyện. Nếu xảy ra tình trạng này, các bậc phụ huynh cần phản ánh, theo đó cần xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái quy định. D.H (ghi)

Theo Bạch Dương - Dương Hà

Theo Lao Động
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".