Ảo ảnh 'hai không'

Ảo ảnh 'hai không'
TP - Những ai từng kỳ vọng vào cú hích “hai không” giờ hoàn toàn không còn kỳ vọng về nó. Bởi chưa bao giờ trong lịch sử thi cử Việt Nam lại có con số tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rực rỡ đến như vậy!

Trao đổi với Tiền Phong, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội phải thốt lên: “Hai không đã sụp đổ!”. Rồi ông bình luận: “Sụp đổ là phải thôi bởi bản thân tên gọi của phong trào đã trái ngược với quy luật của thi đua. Khi phát động phong trào, chúng ta quên mất một điều là định ra tiêu chí để đánh giá thi đua. Chẳng lẽ lấy tỉ lệ thi đỗ ngày một ít đi của thí sinh để cho đó là thành công? ”.

Quả là khó để viết một bản báo cáo tổng kết tình hình 5 năm thực hiện cuộc vận động hai không (nói không với bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với tiêu cực trong thi cử) một cách logic. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trong năm đầu tiên thực hiện hai không đã đánh lừa cảm giác của một bộ phận dư luận xã hội trong thời gian ít nhất một năm.

Dường như, kết quả thi cử trong giáo dục phổ thông đã tiến gần hơn với thực chất dù nhiều nghi ngại vẫn còn lởn vởn trước kết quả chín mấy phần trăm của một số nơi nào đó, trong khi nơi được xem là đất học như Nghệ An có tỉ lệ đỗ chỉ đạt dưới mức trung bình. Một cán bộ làm trong ngành GD&ĐT Nghệ An hồi đó bùi ngùi: “Nghệ An làm cách mạng nhiệt tình quá nên thiệt cho con em Nghệ An”.

Rồi ảo ảnh hai không tan dần theo năm tháng. Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của các tỉnh thành những năm sau “hai không” nhảy múa không theo bất kỳ một lôgic nào. Thoắt đội bảng năm trước, thoắt ngoi lên chót vót năm sau. Dù ngành GD&ĐT lặp đi lặp lại điệp khúc, nào là sâu sát trong chỉ đạo, nào là cố gắng trong học hành ôn luyện nhưng ngay cả cán bộ, giáo viên trong ngành cũng biết điều đó không gần với sự thật.

Một hiệu trưởng chua xót: “Sự tiến bộ là điều ai cũng mong muốn để phấn đấu. Nhưng anh tiến bộ dần dần người ta còn tin. Tiến bộ quá, tiến bộ từ không thành có thì người ta cười khẩy”.

Sự mất lòng tin của người này với người kia còn có thể lấy lại được nếu có thời gian, nếu có thiện chí. Nhưng mọi chuyện xem ra khó cứu vãn khi ngay cả những người làm giáo dục mất lòng tin vào chính mình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG