Bạc Liêu: Ấm áp trường chùa Cù Lao

Bạc Liêu: Ấm áp trường chùa Cù Lao
Tiếng thầy giáo giảng bài, tiếng đọc đồng thanh vang xa làm không gian ngôi chùa Ghosita Ram Pôlieu ở ấp Cù Lao, xã Hưng Hội (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) có không khí rộn ràng...

Vị sư già chỉ dãy nhà 2 tầng màu rêu phong dưới bóng cây vú sữa già: “Những lớp học này của nhà chùa tổ chức, bàn ghế xin của trường CĐSP Bạc Liêu thanh lý. Các lớp tiểu học, các nhà sư làm giáo viên, các lớp lớn hơn, mời giáo viên trên tỉnh về”.

Tiếng thầy giáo giảng bài, tiếng đọc đồng thanh vang xa làm không gian ngôi chùa Ghosita Ram Pôlieu ở ấp Cù Lao, xã Hưng Hội (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) có không khí rộn ràng.

Sau ngày miền Nam giải phóng, Ban trị sự chùa tổ chức những lớp học cho sư sãi, chư tăng, tăng sinh và con em đồng bào thoát nạn mù chữ. Năm 1981, trở thành điểm trường bổ túc văn hóa trực của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Lợi, trường học chùa Cù Lao luôn luôn có gần 200 học sinh học bổ túc văn hóa, song ngữ Việt-Khmer.

Giáo viên cấp 3 dạy được trả thù lao 13.000 đồng/tiết, giáo viên cấp 2 là 9.000 đồng/tiết. Học phí đối với học sinh cấp 3 là 360.000 đồng, cấp 2 là 225.000 đồng mỗi học sinh một năm học, nhưng con em đồng bào dân tộc nghèo phải giảm miễn nhiều còn nuôi cơm, chỗ ở nên nhà chùa phải bù vô. Các sư đi xin các nhà hảo tâm, chùa bạn để duy trì các lớp học. 

Năm 1999, Tỉnh Đoàn Bạc Liêu phối hợp với Ban trị sự chùa Cù Lao tổ chức cho chư tăng, tăng sinh, Phật tử vào tổ chức Đoàn, Hội để rèn luyện, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Chi đoàn chùa Cù Lao có hơn 30 đoàn viên và chi hội tập hợp gần 70 sư sãi, chư tăng, tăng sinh sinh hoạt nề nếp.

Các đoàn viên, hội viên chùa Cù Lao tình nguyện nuôi 6 cụ già neo đơn không nơi nương tựa và trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kể từ năm 2003, chi đoàn chùa Cù Lao tổ chức giao lưu kết nghĩa với chi đoàn bảo vệ chính trị Công an Bạc Liêu.

Anh Nguyễn Huy Thái - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội LHTNVN tỉnh Bạc Liêu, phấn khởi: “Hoạt động Đoàn, Hội ở chùa Cù Lao mở đường cho công tác tập hợp đoàn kết thanh niên tôn giáo, dân tộc”. 

Chị Trần Thị Hoa Ry - đại biểu Quốc hội trẻ nhất cũng học từ trường này. Hoa Ry sinh ra trong gia đình giáo chức nghèo, ít đất sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn. Ban ngày, Hoa Ry học văn hóa ở trường công lập.

Ban đêm và ngày hè đến chùa học văn hóa do các nhà sư dạy bằng tiếng dân tộc Khmer. Những năm cuối cấp 3, Trần Thị Hoa Ry học ở chùa Cù Lao, sau đó vào trường trung học Sư phạm Bạc Liêu.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa 10, Trần Thị Hoa Ry là đại biểu trẻ nhất, mới vừa tròn 21 tuổi, Phó Bí thư xã đoàn Hưng Hội, giáo viên trường tiểu học Hưng Hội A, xã Hưng Hội (Vĩnh Lợi). Nay Hoa Ry là Phó ban Mặt trận thanh niên Tỉnh Đoàn Bạc Liêu. Trưởng thành từ trường chùa Cù Lao, còn có hàng trăm học sinh nay thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, công chức.

MỚI - NÓNG