TP Hồ Chí Minh:

Bác sĩ rầm rộ “nhảy” việc

Bác sĩ rầm rộ “nhảy” việc
TP - Cùng với “cơn lốc” bác sĩ “chạy sô” đi phẫu thuật, khám bệnh, hội thảo…để kiếm thu nhập là hàng loạt bác sĩ đang công tác từ các bệnh viện công “nhảy” ra làm tư hoặc ra riêng mở phòng khám đang diễn ra rầm rộ tại TPHCM hiện nay. 
Bác sĩ rầm rộ “nhảy” việc ảnh 1

Bệnh viện tư nhân An Sinh với chính sách mở rộng cửa đón người tài

Xu hướng trên đang khiến không ít bệnh viện lo lắng về sự thiếu hụt nhân lực trong nay mai.

“Nhảy” là chuyện tất yếu!

Sự việc diễn ra rầm rộ nhất là ở bệnh viện Thống Nhất TPHCM. Từ đầu năm 2007 đến nay, đã có hơn 70 bác sĩ chuyên khoa ở đây “nhảy” việc đến chỗ mới.

Theo các bác sĩ,việc ra đi của họ là điều tất yếu khi các chế độ ở các bệnh viện công vẫn chưa đáp ứng được mức sống ngày càng cao của cơ chế thị trường hiện nay.

Trong khi đó, các bệnh viện tư, các phòng khám đa khoa... mọc lên như nấm, luôn “trải thảm đỏ” mời gọi bác sĩ chuyên khoa với mức lương hậu hĩnh.

Sau 5 năm làm việc tại bệnh viện chuyên khoa Tai- Mũi- Họng TPHCM, bác sĩ  Nguyễn H. N. quyết định chia tay để ra làm việc cho Bệnh viện Columbia. Theo bác sĩ này, trước khi có quyết định “nhảy” qua làm cho bệnh viện Columbia, bệnh viện SOS International Centre cũng đã mời chào anh với mức lương hơn 1.000USD.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Y tế TPHCM, từ năm 2007 đến nay ít nhất các bệnh viện thuộc ngành y tế TP quản lý đã có trên 300 bác sĩ “nhảy” việc.

Ngoài chuyện nhảy qua làm việc cho các bệnh viện nước ngoài, không ít phòng khám quốc tế “hoành tráng”  khác ở TPHCM như Medic Care, Victoria Healthcare, International SOS… cũng đã mời gọi với mức lương làm cho bác sĩ không còn lo chuyện cơm áo gạo tiền trong cơn bão giá hiện nay.

Không ít các bệnh viện tư ở TPHCM như An Sinh, Triều An…cũng đang mở rộng quy mô và trang thiết bị hiện đại để mời gọi các bác sĩ chuyên khoa giỏi, chi trả lương cao. Bác sĩ Phan Tr. D.- đang công tác ở một chuyên khoa của bệnh viện nhân dân 115, cho biết, anh đã “nhảy” sang làm cho bệnh viện An Sinh TPHCM từ 2 tháng nay.

Theo anh này, tại bệnh viện công, mỗi ca phẫu thuật anh chỉ nhận khoảng 30 nghìn đồng/ca tiền công bồi dưỡng. Nhiều lắm là 50 nghìn đồng/ca, nếu đó là ca đại phẫu.

Trong khi đó, phẫu thuật tương tự tại bệnh viện tư bác sĩ được hưởng từ gần cả 1 triệu đồng/ca. Ngay cả khi hết giờ “tranh thủ” làm thêm cho phòng khám đa khoa tư nhân, chỉ trong 1-2 tiếng đồng hồ cũng kiếm thêm ít nhất là 300 nghìn đồng.

Nỗi lo hụt bác sĩ!

Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM việc bác sĩ “di dân” qua các bệnh viện tư hay “ra riêng” để mở phòng mạch… là điều không ai cấm cản. Tại bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM, từ đầu năm đến nay cũng đã có gần 10 bác sĩ ra đi tìm công việc mới cho mình ở nơi khác. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh- GĐ bệnh viện, ở môi trường làm việc công hay tư, bác sĩ vẫn là người phục vụ bệnh nhân. “Chúng tôi vẫn khuyến khích họ hợp tác với bệnh viện trong các lĩnh vực phẫu thuật, chuyên khoa khi họ làm nơi khác.

Nhưng cũng rất lo vì cơ chế hiện nay của bệnh viện còn khó khăn đã không cho phép chúng tôi giữ chân người tài. Trong khi đào tạo để có được một bác sĩ chuyên khoa cần rất nhiều thời gian”- bác sĩ Khánh nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tổng số bác sĩ ở TPHCM hiện nay chỉ hơn  3.700 người, với tỷ lệ 4,7 bác sĩ/10.000 dân. Trong khi yêu cầu phải có 10 /10.000 dân đối với dân số 10 triệu người. Vì vậy, TPHCM sẽ phải cần thêm hơn 4.000 bác sĩ.

Tuy nhiên, theo trường Đại học Y Dược TPHCM và trường Y Phạm Ngọc Thạch (Trung tâm đào tạo cán bộ y tế cũ) mỗi năm 2 nơi này chỉ đào tạo cho thành phố khoảng 250 bác sĩ. Vì vậy, để đủ hơn 4.000 bác sĩ cho TP trong thời điểm hiện nay, TPHCM cần phải cần thời gian khá dài cho đào tạo.  

MỚI - NÓNG