Diễn đàn: Về chủ trương nhập 2 kỳ thi làm 1 và thi trắc nghiệm

Bài 1: Bốn phương án giải quyết 2 kỳ thi

Bài 1: Bốn phương án giải quyết 2 kỳ thi
TP - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Lê Văn Giạng: "Tuy chưa được biết phương án cụ thể của Bộ GD & ĐT, tôi cũng xin tham gia một số ý kiến dưới đây về cuộc trao đổi quanh chủ trương nhập 2 kỳ thi làm 1 và thi trắc nghiệm đang diễn ra trên báo Tiền phong".

Gần đây Bộ GD&ĐT cho biết là từ 2009 trở đi, sẽ kết hợp hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông (kỳ thi I) và kỳ thi tuyển sinh vào ĐH (kỳ thi II) thành một kỳ thi thống nhất và sẽ áp dụng rộng rãi phương pháp thi trắc nghiệm (dưới đây tạm gọi tắt là thi TN).

Tuy Bộ GD & ĐT chưa cho biết phương án cụ thể, cách tổ chức thực hiện, nhưng ý định chung nói trên của Bộ đã được dư luận xã hội rất chú ý. Bởi mọi đổi mới giáo dục nhất là trong thi cử đều đụng chạm tốt hay xấu tới hầu hết các gia đình có con em đang tuổi đi học.

Nói công khai trên báo chí sự quan tâm của nhiều người là bài viết đăng trên báo Tiền phong của GS. Văn Như Cương, một nhà giáo có tâm huyết và có nhiều kinh nghiệm cả về giảng dạy ở đại học và ở phổ thông; GS. Văn Như Cương nói rõ sự lo lắng và không đồng tình với 2 ý định đổi mới nói trên của Bộ GD&ĐT.

Tiếp theo là hàng loạt bài trên Tiền phong online, đa số là đồng tình có khi rất nhiệt liệt, nhưng cũng có một số bài phản bác, có khi gay gắt: Điều này cũng là bình thường trong tranh luận.

1-Về kết hợp kỳ thi I và II

Hai kỳ thi này rất khác nhau về mục đích và tính chất; ngoài ra trong tình hình hiện nay ở ta và còn do sự khác nhau về mục đích nói trên, nên tính chất nghiêm túc của 2 kỳ thi đó cũng khác nhau rất nhiều (cuộc vận động chống tiêu cực trong thi cử mà Bộ GD&ĐT khởi xướng và chỉ đạo trong thời gian vài năm có thể thanh toán là điều khó có thể thực hiện).

Vì thế, sự kết hợp 2 kỳ thi làm một có đạt được mong muốn của Bộ GD&ĐT và được sự đồng tình và ủng hộ trong ngành giáo dục cũng như trong xã hội hay không là tùy thuộc vào cách kết hợp đó giải quyết được đến đâu các sự khác nhau nói trên giữa 2 kỳ thi ấy.

Vì chưa biết phương án kết hợp của Bộ GD&ĐT như thế nào nên tôi xin tạm đưa ra mấy phương án khả dĩ để góp ý kiến trên những nét lớn.

a) Phương án  lấy kết quả thi của kỳ thi chung vừa để xét tốt nghiệp phổ thông vừa để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Phương án này hoàn toàn không giải quyết được các  sự khác nhau giữa 2 kỳ thi.

Tất nhiên, cách kết hợp này giảm được tổ chức thi nặng nề, tốn kém. Đây là một yêu cầu quan trọng của đổi mới thi cử nhưng không thể là yêu cầu quan trọng nhất được. Nếu tôi không hiểu lầm thì sự lo lắng và không đồng tình của dư luận đối với chủ trương kết hợp 2 kỳ thi là đều nghĩ đến cách kết hợp này.Tôi hoàn toàn chia sẻ những sự lo lắng đó.

b) Cách kết hợp khác cao hơn là trong các đề bài thi của kỳ thi thống nhất đều có 2 phần, tạm gọi là phần A và phần B; phần A là để xét tốt  nghiệp phổ thông, phần B để xét tuyển sinh vào đại học và cao đẳng. Cách kết hợp này giữ được sự khác nhau về mục đích của 2 kỳ thi.

Nhưng sự lo lắng của xã hội về sự nghiêm túc của kỳ thi thống nhất này (tổ chức theo cách thi tốt nghiệp phổ thông mà trong thời gian vài  năm trước mắt có thể có tiến bộ về nghiêm túc nhưng chắc chắn chưa thể đạt đến mức độ theo yêu cầu của kỳ thi II) vẫn là một vấn đề phải tính tới.

Hơn nữa, cách tổ chức chấm bài sẽ đặt ra nhiều vấn đề rắc rối và phức tạp (thí dụ để địa phương chấm như thi phổ thông, đưa về Bộ chấm hay giao cho các trường đại học và cao đẳng chấm,vv và vv).

c) Ngoài phương án kết hợp 2 kỳ thi I và II làm một  kỳ thi thống nhất duy nhất như trên, đề nghị Bộ GD&ĐT cũng nên cân nhắc một  vài phương án đổi mới khác, thí dụ:

- c1: Giảm nhẹ, đơn giản kỳ thi I, chú trọng làm tốt hơn kỳ thi II: Đây là ý kiến của một số nhà giáo dục và khoa học ở nước ta đã đưa ra và  được nêu lại trong cuộc trao đổi ý kíến sau bài  báo của GS Văn Như Cương trên báo Tiền phong.

Khi cân nhắc phương án này, cần phải xem xét ảnh hưởng của nó đối với việc dạy và học ở phổ thông và ảnh hưởng quá tải của nó đối với kỳ thi II.

- c2:  Vẫn giữ 2 kỳ thi I và II, dùng kỳ thi I vừa để xét tốt nghiệp phổ thông vừa để phân luồng học sinh cuối cấp học này theo 4 hướng là đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, chuyển kỳ thi II về cho từng trường đại học và cao đẳng trên cơ sở  phân luồng đó và có sự quản lý chặt chẽ của Bộ bằng quy chế tuyển sinh và bằng kiểm tra và thanh tra.

Phương án này vừa thực hiên được một vấn đề lớn trong đường lối giáo dục của ta đã được nói đến nhiều lần nhưng chưa thực hiện được gì đáng kể là vấn đề phân luồng học sinh phổ thông, và qua đó vừa giảm nhẹ sự quá tải của kỳ thi II, vừa tăng quyền tự chủ của các trường đại học, vừa vẫn giữ vững trách nhiệm quản lý của Bộ GD&ĐT đối với quy mô và chất lượng của hệ thống ĐH và CĐ.

Tôi đề nghị Bộ nên xem xét kỹ phương án này. Cái đổi mới có tính chất cải cách ở đây là kỳ thi I ngoài mục đích xét tốt nghiệp phổ thông còn có thêm nhiệm vụ trước nay chưa có là để phân luồng, và nhờ có phân luồng được thì mới thực hiện được một cải cách khác là chuyển kỳ thi II về cho các trường đại học và cao đẳng. 

-------------------

(Còn nữa)

Lê Văn Giạng
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục

MỚI - NÓNG