Ban C sẽ càng "ế"?

Ban C sẽ càng "ế"?
Theo chương trình phân ban mới, Tùy vào điều kiện của trường và nguyện vọng của học sinh, có thể có trường chỉ có hai hoặc một ban và nhiều khả năng ban khoa học xã hội - nhân văn (ban C) lại càng eo sèo!
Ban C sẽ càng "ế"? ảnh 1
Hướng dẫn và tư vấn cho phụ huynh cách ghi nguyện vọng cũng như nội dung các ban ở bậc THPT

Bài toán về số ban trong trường xem ra khá hóc búa với những người làm công tác quản lý, trong khi nguyện vọng của học sinh có thể sẽ không được đáp ứng.

Ưu thế thuộc về ban cơ bản?

Năm học 2006-2007 là năm đầu tiên thực hiện đại trà chương trình THPT phân ban trên cả nước. Trong đó, ban khoa học tự nhiên (ban A) có các môn nâng cao là toán, lý, hóa và sinh học. Ban khoa học xã hội (ban C) sẽ nâng cao các môn văn, sử, địa và ngoại ngữ.

Các môn còn lại sẽ học theo chương trình chuẩn thống nhất do Bộ GD-ĐT ban hành. Riêng ban cơ bản sẽ học theo chương trình chuẩn, ngoài ra HS còn được chọn 3/8 môn tự chọn để học nâng cao với thời lượng 4 tiết/tuần. Theo qui định, các môn nâng cao sẽ "cao" hơn chương trình chuẩn 20%.

Như vậy xét về mặt lý thuyết khi chọn ban cơ bản, HS sẽ được linh hoạt hơn trong việc học tập và chọn học môn nâng cao. Chẳng hạn HS có thế mạnh và dự tính sẽ thi ĐH khối A có thể chọn vào ban khoa học tự nhiên. Khi đó, ngoài việc học nâng cao ba môn toán, lý, hóa, HS còn phải học nâng cao “thừa” môn sinh học, khối B lại “thừa” môn lý, trong khi học ban xã hội khi thi khối D lại “thiếu” môn toán, "thừa" môn sử, địa.

Trong khi đó, nếu chọn ban cơ bản, ngoài việc học các môn theo chương trình chuẩn, HS được quyền tự chọn ba trên tổng số tám môn tự chọn để học nâng cao 4 tiết/tuần. Và khi đó, HS có quyền tự chọn môn phù hợp với sở thích và năng lực để học mà không phải sợ bị thừa hoặc thiếu môn học nào.

Qua trao đổi với một số phụ huynh, HS, chúng tôi được biết đa số đều chọn ban khoa học tự nhiên và ban cơ bản, rất ít HS chọn ban xã hội.

Anh Nguyễn Hoàng Nam có con học tại Trường THCS Lê Văn Tám (Bình Thạnh, TPHCM) cho biết tuy con anh học tốt tất cả các môn nhưng anh chọn cho con ban cơ bản bởi theo anh, khi vào học con anh có thể tùy chọn môn nâng cao và nếu thấy không phù hợp có thể đăng ký nâng cao môn khác, trong khi học ban tự nhiên hay xã hội nếu không phù hợp thì việc xin chuyển ban rất rắc rối và phức tạp.

Theo ý kiến của một số nhà quản lý giáo dục, HS có học lực trung bình khá thì học ban cơ bản sẽ phù hợp hơn, còn HS giỏi học theo ban thế mạnh sẽ có điều kiện để phát huy khả năng của mình. Ông Lê Văn A - hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi - cho biết: "Môn nâng cao ở ban cơ bản linh hoạt hơn, HS có thể thay đổi môn nếu thấy không phù hợp. Tuy nhiên, HS hai ban tự nhiên và xã hội sẽ học các môn nâng cao theo thời khóa biểu chính khóa, còn môn nâng cao của ban cơ bản sẽ học trái buổi chứ không học theo thời khóa biểu chính".

Số phận ban C sẽ ra sao?

Theo qui định về việc phân ban trong trường học, tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên và nguyện vọng của HS mà các trường sắp xếp HS vào các ban phù hợp. Do đó, có thể trường sẽ có ba ban, hai ban hoặc có thể chỉ có một ban. Hiệu trưởng một trường THPT cho biết đến thời điểm này vẫn chưa nhận được các hướng dẫn chính thức về nội dung chương trình giảng dạy của Bộ GD-ĐT nên nội dung giảng dạy chủ yếu là nghe từ các trường thí điểm trước đây!

Riêng với việc phân ban, dù chưa “dự báo” được số ban nhưng ông cho biết nếu số lượng HS đăng ký vào ban nào đó (ông đã nhắc đến ban xã hội - PV) quá ít thì trường buộc phải làm tờ trình để xin sở chuyển số HS này qua ban khác vì không thể mở lớp nếu có quá ít HS.

Dự báo này có thể trở thành hiện thực khi mà những năm trước đây số HS vào ban xã hội (còn gọi là ban C) thường rất ít, trong khi năm nay lại có thêm ban cơ bản “cạnh tranh”. Và khi đó, nguyện vọng của một bộ phận HS khi đăng ký với trường chỉ còn mang tính chất tham khảo!

Hiệu trưởng một trường từng thí điểm phân ban cũng tỏ ra lo lắng: "Năm nay có ban cơ bản thì số HS không vào ban khoa học tự nhiên có thể sẽ chuyển sang ban cơ bản, ban xã hội vì thế sẽ càng ít HS hơn". Sự lo lắng này cũng có lý do bởi từ khi thực hiện phân ban thí điểm, ban C luôn rơi vào cảnh “eo sèo” so với ban A.

Năm học 2005-2006, Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11) chỉ có 90 HS chọn ban C, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức) chỉ tuyển được 41 HS cho ban C, trong khi số HS vào ban C của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai không đủ để mở một lớp! Chẳng đặng đừng, trường buộc phải gộp chung số HS chọn ban C ở cả hai hệ công lập và bán công lại để mở một lớp ban C nhưng cũng chỉ được 18 HS.

Hiệu trưởng một trường THPT ở Thủ Đức đã thẳng thắn cho biết trường dự kiến sẽ mở một lớp ban xã hội nhưng "phải rất cố gắng" và có thể sẽ phải gộp cả hai hệ bán công và công lập lại mới đủ lớp. “Do thực tế và nhu cầu xã hội nên lối đi của HS ban C sau này sẽ hẹp hơn nhiều so với ban tự nhiên nên ít có HS lựa chọn cũng là điều dễ hiểu”, ông nhận xét thêm.

Có nhiều ban nhằm đa dạng sự lựa chọn, cố gắng đáp ứng nguyện vọng của HS vẫn được các cấp quản lý giáo dục khuyến khích các trường thực hiện. Tất nhiên việc đa dạng ban trong trường học còn tùy thuộc điều kiện của trường và trong nhiều trường hợp, sự đa dạng ấy chỉ còn là mong muốn mà thôi.

Theo Minh Giảng
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.