Ban cố vấn nói về sai sót tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2012

Thí sinh Thân Ngọc Tĩnh và thí sinh Đặng Thái Hoàng
Thí sinh Thân Ngọc Tĩnh và thí sinh Đặng Thái Hoàng
TP - Trước thông tin câu hỏi sai, nghi án lộ đề, một số thành viên ban cố vấn chương trình Đường lên đỉnh Olympia bày tỏ quan điểm.

12 năm làm cố vấn cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia, GS Lê Văn Lan, cố vấn môn Lịch sử, cho biết, đội ngũ cố vấn và BTC chương trình làm việc rất cẩn mật.

Theo TS Lan, trước cuộc thi, BTC có 2 cuộc họp kín, lần một ngày 22 - 6, lần thẩm định lại vào lúc 8h sáng ngày 24 - 6 ngay trước cuộc thi. Các cuộc họp này đều cửa đóng then cài.

Tất cả văn bản, ý kiến của đội ngũ cố vấn đều được nộp lại cho BTC nên không thể xảy ra tiêu cực, lộ đề. GS Lan đề xuất cần có sự thẩm định, xem xét lại toàn bộ sai sót để có kết luận.

“Theo tôi, nhà đài nên tiếp nhận những luồng thông tin nhiều chiều và có câu trả lời sòng phẳng. Họ (VTV) phải có trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch”, GS Lan nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong trước cuộc họp với BTC Chương trình Đường lên đỉnh Olympia (Đài THVN) lúc 17h ngày 27 - 6, một giáo sư có thâm niên nhiều năm làm cố vấn chương trình này ở lĩnh vực khoa học tự nhiên (xin được giấu tên) cho biết, không chỉ trận chung kết mà ở các vòng thi, câu hỏi rất phong phú, được lấy từ nhiều nguồn.

Có thể do Ban cố vấn, biên tập viên (BTV) chương trình lựa chọn từ sách báo, bạn đọc gửi về hoặc thí sinh từng tham dự chương trình đưa ra...

Tuy nhiên, tất cả câu hỏi được lựa chọn đưa vào trận chung kết đều được BTV biên tập, sau đó trao đổi lại với cố vấn từng lĩnh vực để đảm bảo tính chính xác, hấp dẫn của câu hỏi, câu trả lời.

THPT Năng khiếu kiến nghị lên VTV

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 27-6, PGS.TS Võ Thị Bạch Mai, Hiệu trưởng Trường THPT Năng khiếu (ĐHQG TPHCM), nơi có thí sinh Thân Ngọc Tĩnh, người về nhì với điểm số 230, cho biết, Ban giám hiệu nhà trường vừa gửi công văn kiến nghị lên VTV.

Nội dung của công văn phản ánh trường hợp câu hỏi đầu tiên trong phần thi Tăng tốc của buổi chung kết có sai sót, dẫn đến thứ bậc cuộc thi có thể bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi nói rõ trong công văn: Đề nghị VTV, ban tổ chức và ban cố vấn cuộc thi phải sửa sai để đảm bảo công bằng cho cuộc thi và quyền lợi của các em thí sinh”.

Cách đây ba năm (2009), VTV có sai sót trong một cuộc thi quý dẫn đến trận chung kết có tới 5 thí sinh. Theo bà Mai, cách sửa sai của VTV khi đó đáp ứng được mong đợi của khán giả. Vì vậy, hy vọng trong sự việc lần này, VTV sẽ có cách xử lý hợp tình, hợp lý, đem lại công bằng cho các thí sinh.

BTC xin lỗi và giữ nguyên kết quả

Chiều 27-6, Ban Tổ chức cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và Ban cố vấn chương trình cùng làm việc để xem xét lại toàn diện những vấn đề liên quan cuộc thi chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12 mà dư luận phản ánh.

“Đưa một câu hỏi thiếu chặt chẽ là một sơ suất đáng tiếc trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 12… Với đáp án ở phần thi Tăng tốc chấp nhận được của em Hoàng, kết quả chung cuộc của Chung kết Đường lên đỉnh Olympia được giữ nguyên...

Với tất cả những sức ép mà ban cố vấn chương trình và các thí sinh phải chịu thời gian qua về sơ xuất này và với khán giả yêu mến chương trình Đường lên đỉnh Olympia, chúng tôi cảm thấy rất đáng tiếc và gửi lời xin lỗi chân thành”, Ban Tổ chức thông báo.

Thân Ngọc Tĩnh qua đánh giá của Ban cố vấn

GS Lê Văn Lan: Đánh giá Ngọc Tĩnh cao hơn

Nhận xét về các thí sinh tham dự chung kết Đường lên đỉnh Olympia, GS Lê Văn Lan nói: “Cá nhân tôi đánh giá em Ngọc Tĩnh cao hơn vì qua các vòng thi em đã chứng tỏ được kiến thức và bản lĩnh thực sự. Tôi thực sự quý thí sinh này và thấy tiếc vì em không đạt được chức vô địch.

TS Phan Doãn Thoại (Viện trưởng Viện nghiên cứu Sách và Học liệu giáo dục NXBGDVN, cố vấn môn Toán chương trình Đường lên đỉnh Olympia 2012):

Thí sinh xuất sắc

Tôi hy vọng Thân Ngọc Tĩnh đạt kết quả cao nhất bởi tôi nhận thấy trong số các thí sinh tham gia buổi chung kết, Ngọc Tĩnh là một thí sinh xuất sắc. Tĩnh có nền tảng kiến thức vững và rộng.

PGS.TS Phạm Văn Tình: Ngôn ngữ chính thức của Vatican là tiếng Ý

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, Phó tổng biên tập Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư, khi nói ngôn ngữ chính thức của một quốc gia thường được hiểu đó là ngôn ngữ được sử dụng trong hệ thống văn bản quốc gia, trong giao tiếp về mặt nhà nước, chính quyền, giao tiếp hằng ngày. Tiếng Latin hiện không còn tồn tại nữa mà chỉ dùng trong đọc kinh thánh cổ viết bằng tiếng Latin, các ký hiệu khoa học, một số tên thuốc. Thực tế, tiếng Latin là tử ngữ. Vì vậy, không thể kết luận ngôn ngữ chính thức của Vatican là tiếng Latin. Hiện nay, ngôn ngữ chính thức của Vatican là tiếng Ý.

Đương kim vô địch Đặng Thái Hoàng:

“Sẵn sàng thi đấu lại”

Thí sinh vô địch Olympia 2012 Đặng Thái Hoàng (Trường THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) cho biết sẵn sàng thi đấu lại nếu BTC yêu cầu.

Tuy nhiên, theo Hoàng, khả năng ấy là rất khó xảy ra bởi thể lệ cuộc thi năm nay quy định chỉ thí sinh mới được khiếu nại và chỉ được khiếu nại trong chương trình.

Khi cuộc thi kết thúc, các thí sinh đều đã kí công nhận kết quả. Hoàng cho biết: “Nếu biết trước là câu hỏi sai, em không được 30 điểm thì ở phần thi Về đích, chắc chắn em sẽ chọn gói câu hỏi 60 hoặc 80 điểm, chứ không phải gói 40 điểm. Mọi chuyện sẽ khác”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.