Băn khoăn kỳ thi THPT quốc gia: Giữa tháng 3 sẽ có hướng dẫn cụ thể

Học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội trước kỳ thi quốc gia. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Học sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội trước kỳ thi quốc gia. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Giải đáp một số thắc mắc của các hiệu trưởng trường THPT tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT Trần Văn Nghĩa cho biết Bộ sẽ cố gắng ban hành hướng dẫn cụ thể việc thực hiện tổ chức kỳ thi vào giữa tháng 3 này.

Hôm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị phổ biến quy chế thi THPT quốc gia cho tất cả hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thành phố (kể cả những trường không thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương). Đại diện Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng đã đến dự và trực tiếp giới thiệu một số điểm mới cũng như giải đáp thắc mắc của các hiệu trưởng trường THPT.

Học sinh được dùng ngoại ngữ nào để xét tốt nghiệp?

Thí sinh được miễn thi, hoặc thi thay thế môn ngoại ngữ như thế nào là băn khoăn được nhiều hiệu trưởng chia sẻ. Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết ở trường mình nhiều học sinh học hai ngoại ngữ -  ngoại ngữ 1 là tiếng Anh, ngoại ngữ 2 là tiếng Đức. “Theo quy chế, các em đảm bảo các điều kiện về ngoại ngữ thì được miễn thi, nhưng đó là ngoại ngữ 2 có được không hay bắt buộc phải là ngoại ngữ 1? Môn ngoại ngữ 2 của các em phải thỏa mãn các điều kiện gì thì các em mới được miễn thi môn ngoại ngữ?”, thầy Bình thắc mắc. Một đại diện của Trường THPT chuyên ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội cũng hỏi: “Học sinh của trường tôi học rất nhiều thứ tiếng: Nga, Pháp, Trung, Nhật… Vậy các em có thể chọn thứ tiếng mà các em không được học trong nhà trường (nhưng các em có đi học ở ngoài - PV) để đăng ký thi hoặc để xét được miễn thi môn ngoại ngữ không?”. Cô Lương Quỳnh Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây băn khoăn: “Trường tôi có một lớp học tiếng Pháp hệ 3 năm. Theo quy chế cũ, các em được đăng ký thi một môn thay thế môn ngoại ngữ, năm nay các em có được như vậy nữa không?”.

Trả lời câu hỏi của cô Lan, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định đề thi môn ngoại ngữ sẽ là đề thi dành cho chương trình 7 năm, với những học sinh được học ngoại ngữ không đủ 7 năm sẽ được xem là diện được học ngoại ngữ nhưng trong điều kiện không đảm bảo chất lượng, vì thế các em sẽ được chọn môn khác thay thế. Với hai câu hỏi còn lại, ông Nghĩa cho biết chủ trương của Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng là tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được đảm bảo quyền lợi. “Chúng tôi cũng nhận được thông tin từ các cơ sở đưa ra các tình huống có trong thực tế để mong được hướng dẫn thực hiện. Chẳng hạn một em học ngoại ngữ là tiếng Trung trong trường học, đồng thời dự các lớp tiếng Anh ở trung tâm bên ngoài và học rất giỏi - đạt chứng chỉ quốc tế, vậy em có được dùng chứng chỉ tiếng Anh này để miễn thi ngoại ngữ không? Hiện chúng tôi đang thảo luận, nói chung các ý kiến đều cho là được. Tuy nhiên để biết chắc chắn là được hay không, Bộ sẽ trả lời trong văn bản hướng dẫn mà theo kế hoạch là sẽ ban hành vào giữa tháng 3 tới”, ông Nghĩa nói.

Học sinh được quyền chọn cụm thi

Tại hội nghị, ông Nghĩa cho biết ở Hà Nội sẽ có ít nhất 8 cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì. Trước thông tin này, nhiều đại diện đến từ các trường ngoài công lập băn khoăn liệu Hà Nội có tổ chức cụm thi dành cho những thí sinh có nhu cầu thi chỉ để xét kết quả tốt nghiệp THPT? Ông Nghĩa cho biết việc có cụm thi do Sở chủ trì tổ chức hay không là phụ thuộc vào từng Sở GD&ĐT. Nếu Sở nào có nhu cầu thì đề xuất lên UBND tỉnh/ thành phố để đề xuất chủ trì tổ chức thi.

Tuy nhiên ông Nghĩa lưu ý: “Cho dù các em không có nhu cầu dùng kết quả thi để dự xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì chúng tôi cũng không bắt buộc các em phải thi tại cụm do Sở chủ trì tổ chức. Như vậy, với cụm thi do trường ĐH tổ chức, các em hoặc chỉ cần xét tốt nghiệp THTP, hoặc cả xét tốt nghiệp THPT cả dự tuyển ĐH, CĐ. Nhưng nếu các em đã dự thi tại cụm Sở chủ trì thì các em sẽ không được dùng kết quả thi để dự tuyển ĐH vào những trường chỉ dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển”. Còn ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở sẵn sàng chủ trì tổ chức một cụm thi riêng dành cho diện học sinh này nếu như kết quả khảo sát tới đây cho thấy cần phải có một cụm thi riêng như thế. 

Căn cứ vào những thắc mắc khác của cán bộ quản lý các trường THPT, ông Nghĩa phân tích một số lợi ích mà quy chế năm nay mang đến cho học sinh. Chẳng hạn, với mọi năm, khi thí sinh dự thi ĐH, CĐ, cho dù đã thi được 2 môn, đến môn thứ 3 vì lý do bất khả kháng các em phải bỏ thi, thì chắc chắn các em sẽ trượt ĐH. Nhưng năm nay, nếu các em đã dự đủ 4 môn tối thiểu để xét tốt nghiệp, đến môn thứ 5 (để dự tuyển ĐH), các em vẫn có thể dùng điểm 4 môn đã thi để dự tuyển vào các trường có tuyển khối D, thậm chí em nào thi môn tự chọn là Vật lý thì sẽ có thêm cơ hội được xét tuyển khối A1. 

MỚI - NÓNG