Băn khoăn từ hình thức thi

Băn khoăn từ hình thức thi
TP - Chúng ta đã trải qua hai kỳ thi, thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Vật lý là môn thi được Bộ GD-ĐT ấn định hình thức thi “trắc nghiệm hoàn toàn”.
Băn khoăn từ hình thức thi ảnh 1
Sau giờ thi môn vật lý, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 tại trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) - Ảnh: Phạm Yên

Tôi đọc lại các câu hỏi trắc nghiệm môn vật lý ở cả hai kỳ thi và thấy băn khoăn khi nghĩ đến việc dạy và học vật lý, đến các tính chất của môn học mà nhiều học sinh thấy là hấp dẫn.

Sách giáo khoa vật lý của Nga, dùng cho bậc PTCS mở đầu: “Vật lý học là một trong những khoa học nghiên cứu thế giới tự nhiên, nó nghiên cứu các hiện tượng cơ, nhiệt, điện, quang, nghiên cứu cấu tạo của mọi vật. Vật lý học là một trong những khoa học cổ xưa nhất. Những định luật của vật lý được tất cả các khoa học nghiên cứu về tự nhiên sử dụng”.

Sách giáo khoa vật lý bậc THPT của Mỹ thì mở đầu: “Vật lý là khoa học nghiên cứu thế giới vật chất. Tính chất sơ đẳng của vật chất là có thể quan sát được. Vật lý học nghiên cứu vật chất, sự tương tác và sự thay đổi (change)”.

Vật lý hấp dẫn bởi người học bị lôi cuốn vào những diễn biến của hiện tượng tự nhiên, thích thú biết những lý giải về nguyên nhân và hệ quả của chúng, từ phạm vi vĩ mô cho đến vi mô.

Mặt khác, vật lý học là cơ sở của các ứng dụng kỹ thuật vào đời sống. Thí nghiệm thực hành tạo kỹ năng đo lường, tính toán, giải quyết những vấn đề kỹ thuật. Bài tập vật lý tạo những kỹ năng công nghiệp cần thiết cho việc đào tạo nhân lực trong sản xuất.

Sở dĩ phải nói dài dòng như thế là vì môn vật lý có một vị trí đặc biệt trong việc đào tạo nhân lực cho sự phát triển xã hội, khi đời sống ngày càng mang tính chất công nghiệp.

Những đề thi môn vật lý ở cả hai kỳ thi vừa rồi khiến ta thật băn khoăn khi nghĩ đến việc dạy và học vật lý trong năm học sắp đến.

Nền giáo dục của ta vốn lấy việc thi cử làm cái đích trong quá trình đào tạo. Chẳng phải tự nhiên mà GS Trần Thanh Đạm gọi nó là nền giáo dục ứng thí.

Đọc các đề thi môn vật lý trong hai kỳ thi quốc gia vừa qua có thể thấy nổi bật tính chất hạn hẹp thiên về trí nhớ, về kỹ năng tính toán. Cả 48 câu hỏi trắc nghiệm về vật lý ở kỳ thi tốt nghiệp cũng như 60 câu hỏi trắc nghiệm về vật lý ở  kỳ thi tuyển sinh đều là những câu hỏi để trả lời đúng - sai mà không cần lý giải vì sao sai hay đúng.

Không có một bài toán vật lý nào để phải có một hình vẽ, một thí nghiệm, không có câu hỏi nào về một hiện tượng vật lý.

Ta dễ dàng nghĩ rằng từ năm học tới, việc dạy và học môn vật lý trở thành khá đơn giản. Giáo viên không phải cất công giảng về diễn biến của hiện tượng, giải thích một thuật ngữ nào, chỉ cần bảo học sinh học thuộc và nhớ kỹ các công thức, các đơn vị, các định luật.

Học dao động cơ (con lắc lò xo, con lắc dây) chẳng cần biết đến lực hồi phục là gì, lực hồi phục ở cả hai con lắc này có khác nhau không. Học điện xoay chiều, chẳng cần biết giải thích các sơ đồ mạch điện, cũng chẳng cần biết cái tụ điện nó thế nào, vì sao dòng điện một chiều không đi qua được một tụ điện mà dòng điện xoay chiều lại cho qua.

Việc dạy và học vật lý từ nay chẳng còn cần đến thí nghiệm, chẳng còn gắn với thực tế cuộc sống nữa bởi các câu hỏi trắc nghiệm không đòi hỏi những điều ấy.

Thiển nghĩ, cái hình thức thi theo lối hoàn toàn trắc nghiệm sẽ để lại những hậu quả tai hại trong công việc đào tạo nhân lực cho xã hội, làm thui chột nhiều kỹ năng cần thiết cho đời sống của những nhân công cho cuộc sống công nghiệp.

Tôi cũng nghĩ rằng đây là một vấn đề mà trong cuộc tổng kết mùa thi của năm học 2008 – 2009 phải đề cập đến, để tránh cái nạn lấy đề thi làm chuẩn chỉ đạo cách dạy và cách học đối với môn vật lý. 

MỚI - NÓNG