Ba vấn đề tuyển sinh... chờ giải quyết

Ba vấn đề tuyển sinh... chờ giải quyết
TPO - Việc giao quyền tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường Đại học, Cao đẳng; Thu lại đề thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ và liệu không đủ điểm chuẩn có đỗ đại học hay không, là những vấn đề tuyển sinh chưa có quyết định cuối cùng.

Một trong những vấn đề được nêu ra tại hội nghị Hiệu trưởng các trường Đại học, Cao đẳng do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 10/5 và 11/5 là giao quyền tự chủ cho các trường, trong đó có tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh.

Theo ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập, cách giao chỉ tiêu hiện nay mà Bộ đang áp dụng là "có vấn đề".

Nguyên nhân là bởi nhiều trường đại học lớn, có đủ tiềm năng để đào tạo với quy mô lớn nhưng chỉ được Bộ giao chỉ tiêu đào tạo hạn chế. Trong khi, nhiều trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu do chất lượng đào tạo thấp, không hút thí sinh.

Đó là còn chưa nói đến tình trạng sự "áp đặt" về chỉ tiêu tuyển sinh sẽ "bó chân" sự linh hoạt các trường trong việc đáp ứng đào tạo cho những ngành mà xã hội đang có nhu cầu lớn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài Chính, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang xây dựng đề án đổi mới việc giao chỉ tiêu tuyển sinh. Trong đó đáng chú ý là mô hình chuyển đổi việc giao chỉ tiêu tuyển sinh từ cơ chế kế hoạch hóa sang cơ chế đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Theo phương án đó, sẽ giảm bớt chỉ tiêu nhà nước giao như cử tuyển, dự bị đại học... để nâng số chỉ tiêu cho các trường trên cơ sở đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Còn việc có giao quyền tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ngay không, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển khẳng định, sẽ chưa thay đổi quy chế tuyển sinh năm nay để tránh gây hoang mang cho thí sinh dự thi.

Tuy nhiên, sau kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng 2006, Bộ GD&ĐT sẽ mời đại diện của các trường tập trung bàn luận về vấn đề đổi mới giao chỉ tiêu.

“Việc đổi mới giao chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được tiến hành từng bước chứ Bộ không giao ngay sự chủ động hoàn toàn về chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường. Tuy nhiên, đến năm 2007, sẽ có đổi mới về việc giao chỉ tiêu”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển nói.

Không nên thu lại đề thi trắc nghiệm

Ở một khía cạnh khác của quy chế tuyển sinh, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lâm Quang Thiệp cho rằng, việc thu lại đề môn ngoại ngữ sau khi thi “là một chủ trương không thỏa đáng”.

Theo hướng dẫn của Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Đào tạo, Bộ GD&ĐT, thí sinh phải nộp lại đề thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ để bảo mật ngân hàng đề thi.

Thế nhưng, theo ông Thiệp, lý do trên là không vững vì mỗi năm chỉ có một lần thi quốc gia. Đề thi mỗi môn khoảng 100 câu hỏi, nếu bỏ đi, làm đề khác thì mất một vài tỉ đồng. Số tiền đó không đáng là bao so với lệ phí tuyển sinh bảy, tám chục tỷ đồng thu được.

Nếu Bộ công khai đề thi, đáp án, điểm số dự kiến của từng câu hỏi, thí sinh sẽ có cơ hội học tập và rút kinh nghiệm. Ngoài ra, đó cũng là cách để xã hội giám sát chất lượng đề thi.

Ông Thiệp cũng cho biết, các kỳ thi quốc gia bằng trắc nghiệm ở một số nước cũng không thi lại đề sau khi thi. Trung tâm Quốc gia tuyển sinh đại học của Nhật Bản là một ví dụ. Họ công bố đề thi, đáp án, điểm từng câu hỏi trên phương tiện truyền thông ngay sau khi thi xong.

Không đủ điểm chuẩn vẫn đỗ đại học?

Mùa tuyển sinh năm ngoái, một số trường đại học lớn như Đại học Y, Đại học Dược Hà Nội... đã đề suất những thí sinh có điểm thi ít hơn điểm chuẩn nửa điểm vẫn được vào học tại trường. Đây là những trường có điểm tuyển rất cao. 

Những thí sinh thiếu nửa điểm khi được tuyển vẫn được hưởng điều kiện học tập giống như những người đạt điểm chuẩn.

Điểm khác biệt duy nhất là những thí sinh này phải đóng một mức học phí khác theo mức quy định.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bành Tiến Long cho rằng, cá nhân ông ủng hộ việc tuyển những thí sinh đạt điểm cao (nhưng thiếu 0,5 điểm so với điểm chuẩn) vào học.

Tuy nhiên, trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, nếu các trường có những đề xuất như năm ngoái ở Đại học Y, Đại học Dược... thì Ban chỉ đạo tuyển sinh và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ quyết định có áp dụng như năm ngoái hay không.

MỚI - NÓNG