Báo cáo về giáo dục VN: 'Quên' nhiều khoản tiền

Báo cáo về giáo dục VN: 'Quên' nhiều khoản tiền
TP- Bản báo cáo của Bộ GD&ĐT về “Giáo dục VN - Đầu tư và cơ cấu tài chính” công bố khá chi tiết số liệu về nhiều vấn đề “nóng” nhưng lại không đề cập đến nhiều khoản đóng góp của người học và gia đình.
Báo cáo về giáo dục VN: 'Quên' nhiều khoản tiền ảnh 1

Học sinh phải đóng nhiều khoản tiền ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh- Ảnh: Phạm Yên

Sau loạt bài đăng trên báo Tiền phong : “Hơn 10.000 tỷ đồng đi đâu?”,   “Nhiều dự án không thành công” ,“Một lượng tiền lớn bị quản lý lỏng lẻo, thiếu minh bạch”, ngày 8/11/2008, Bộ GD&ĐT đã công bố tại cuộc giao ban báo chí bản Báo cáo số liệu về “Giáo dục Việt Nam - Đầu tư và cơ cấu tài chính”.

Trước hết, báo cáo cho rằng: “Học phí ở nước ta hiện tại quy định từ năm 1998 đến nay không thay đổi”. Theo chúng tôi, điều này không đúng vì những lý do sau:

Quan niệm về học phí đã có thay đổi căn bản. Trước đây, theo Luật Giáo dục năm 1998, ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, các nhà trường còn được phép thu tiền xây dựng trường, tiền học các môn học chưa quy định chính thức trong chương trình (ngoại ngữ, tin học, các hoạt động ngoại khóa…), tiền học 2 buổi/ngày v.v.

Theo Luật Giáo dục năm 2005 (Điều 105): “Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục đào tạo. Học sinh trường tiểu học công lập không phải đóng học phí. Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học và gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác”.

Tuy nhiên, trên thực tế, tại rất nhiều trường từ cấp tiểu học đến đại học, học sinh vẫn phải đóng rất nhiều khoản tiền ngoài học phí như xây dựng trường, tiền học 2 buổi/ ngày, tiền đóng góp cho các hoạt động ngoại khóa, quỹ lớp...

Như vậy, bản số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT đã chưa tính đủ các khoản đóng góp thực tế hiện nay của người học và gia đình người học để bảo đảm chi phí học tập.

Chính với cách thống kê “học phí” này, Bộ GD&ĐT đã chưa tính hết, để rất nhiều khoản đóng góp của người học và gia đình ở ngoài báo cáo, không đưa vào số liệu tổng các nguồn lực tài chính của giáo dục.

Các con số về đóng góp của người dân trong bảng số liệu của Bộ GD&ĐT chỉ là các con số kinh phí thu được từ các quy định chính thức đối với người học trong các trường công lập mà thôi.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT chưa đưa ra được con số cụ thể về tổng đóng góp của người dân trong các trường ngoài công lập.

Vì vậy, con số tỷ lệ tương quan giữa đóng góp của người dân và của nhà nước (25%/75%) được nêu ra trong báo cáo của Bộ GD&ĐT liệu có chính xác và đủ độ tin cậy?

Vấn đề mà đại biểu Quốc hội, công luận và người dân quan tâm nhất là sử dụng các nguồn lực tài chính cho giáo dục như thế nào đã không được giải đáp trong bản Báo cáo nói trên của Bộ GD&ĐT. Xin nêu thí dụ về một nội dung cụ thể:

Theo con số thống kê ngành công bố trong báo cáo, năm 2006 có tổng số 1.020.862 nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó 876.159 người thuộc hệ thống công lập.

Đây là số người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Tổng chi thường xuyên của năm 2006 là 44.798 tỷ đồng, nguồn học phí là 4.329 tỷ đồng; trừ các khoản thuộc chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT (2.970 tỷ đồng) và nguồn ODA (1.200 tỷ đồng) thì khoản thực tế dành cho chi thường xuyên là 44.957 tỷ đồng.

Tính theo mức thấp nhất mà Bộ GD&ĐT trình Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 3/10/2007, tỷ lệ chi lương chiếm 85% tổng chi thường xuyên, thì tổng quỹ lương của cán bộ quản lý, giáo viên công lập năm 2006 phải khoảng 38.213,45 tỷ đồng.

Với quỹ lương này, bình quân lương cán bộ quản lý, giáo viên công lập sẽ là 3.634.561 đồng/người/tháng. Thực tế, lương bình quân của đội ngũ này là bao nhiêu, xin để các cán bộ quản lý và nhà giáo lên tiếng.

Một nguồn lực tài chính rất lớn cho giáo dục-đào tạo là nguồn vốn vay ưu đãi và các khoản viện trợ không hoàn lại cũng đã không được Bộ GD&ĐT báo cáo trong bản công bố số liệu đầu tư và cơ cấu tài chính giáo dục Việt Nam.

Các nguồn vốn này, cũng phải được quản lý như ngân sách nhà nước. Và chúng được sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao rất cần được Bộ GD&ĐT công khai báo cáo. 

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.