Bao giờ sai phạm ở trường Quốc tế Hà Nội được xử lý?

Bao giờ sai phạm ở trường Quốc tế Hà Nội được xử lý?
Ngày 25/10/2004, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc đã ký văn bản báo cáo kết quả kiểm tra tại Trường QTHN. Nhưng đã nhiều tháng nay, mọi việc gần như vẫn chưa có chuyển biến…

Trên nhiều số báo năm 2004, Tiền Phong đã có loạt bài điều tra về những sai phạm và những dấu hiệu vi phạm pháp luật, diễn ra trong suốt thời gian dài, tại Trường Quốc tế Hà Nội (QTHN).

Sau khi Tiền Phong và tiếp theo là nhiều tờ báo khác mạnh mẽ lên tiếng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ KH-ĐT chủ trì, về Trường QTHN để làm rõ các sai phạm tại đây. Ngày 25/10/2004, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc đã ký văn bản báo cáo kết quả kiểm tra tại Trường QTHN. Nhưng đã nhiều tháng nay, mọi việc gần như vẫn chưa có chuyển biến…

Hàng loạt sai phạm đã được làm rõ

Trường QTHN hoạt động theo mô hình Cty liên doanh, các đối tác là Cty ISD (Cty TNHH) của nhóm Việt kiều quốc tịch Hoa Kỳ và Trung tâm Công nghệ giáo dục (đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT). Bản báo cáo của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã chỉ ra sai phạm cơ bản là ngay từ ngày đầu thành lập (1996) đến nay, Cty này đã hoạt động sai với Luật đầu tư nước ngoài, Giấy phép đầu tư, cũng như sai với chính Hợp đồng liên doanh và Điều lệ Cty liên doanh 2 đối tác đã ký kết với nhau.

Trong Giấy phép đầu tư của Trường QTHN ghi rõ “Trong vòng 6 tháng kể từ ngày cấp giấy phép đầu tư, Cty liên doanh phải gửi Quy chế hoạt động của Trường QTHN, bao gồm những vấn đề liên quan đến nội dung, chương trình giảng dạy, tuyển dụng giáo viên và nhân viên... đến Bộ GD&ĐT để được phê duyệt chính thức”; thế nhưng, hơn 8 năm kể từ ngày đi vào hoạt động, bản “Quy chế” của Trường QTHN chưa bao giờ ra đời.

Ngày 9/4/1999, Bộ KH-ĐT có công văn, và tiếp đến ngày 30/7/1999, Bộ GD&ĐT cũng có công văn, yêu cầu phải có Quy chế hoạt động, song từ đó đến nay, Trường QTHN vẫn không thực hiện. Chính từ sự coi thường pháp luật Nhà nước Việt Nam đến mức lạ lùng của Trường QTHN, mà hàng loạt các sai phạm đã xảy ra, vi phạm chính Giấy phép đầu tư và Điều lệ Cty liên doanh.

Ngoài ra, hoạt động tài chính của Trường QTHN cũng có nhiều sai phạm, điển hình là việc trường này có đến 3 tài khoản (trong đó có những tài khoản chỉ cần 1 chữ ký đã có thể rút tiền ra, trái với Điều lệ Cty liên doanh là việc rút tiền buộc phải có đủ 2 chữ ký của 2 bên đối tác), việc cho đến tận hôm nay, báo cáo tài chính của Trường năm học 2001-2002 vẫn chưa được HĐQT thông qua...

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc kiến  nghị: “Thanh tra Nhà nước thực hiện việc thanh tra để làm rõ các vấn đề mà Đoàn kiểm tra không đủ thẩm quyền xem xét và kết luận, kể cả việc làm rõ trách nhiệm cá nhân trong các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vấn đề về tài chính; trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đề nghị chuyển cho các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Bao giờ xử lý?

Theo tìm hiểu của PV báo Tiền Phong, từ khi Bộ trưởng Võ Hồng Phúc có bản báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ đến nay, tình hình hoạt động đào tạo, hoạt động tài chính tại Trường QTHN vẫn chưa có bất cứ biến chuyển nào theo hướng tích cực.

Bản Quy chế hoạt động của Trường vẫn chưa được lập, trong khi một năm học nữa sắp sửa trôi qua. Chủ tịch Đoàn Văn Mừng (phía Việt Nam) đã gửi giấy triệu tập rất nhiều lần tới các thành viên để họp HĐQT, kể cả sau khi có Đoàn kiểm tra về Trường và Bộ KH-ĐT có công văn yêu cầu, song đến nay cuộc họp vẫn chưa diễn ra.

Lý do là... phía Hoa Kỳ từ chối tham dự, bởi bận các công việc khác (?!). Hơn 2 năm nay, HĐQT Trường QTHN không có lấy một cuộc họp; mọi cố gắng của phía Việt Nam nhằm ra một bản Quy chế hoạt động cũng như kiện toàn công tác tổ chức - nhân sự không đem lại kết quả. Tương tự, những lá đơn của họ tố cáo dấu hiệu vi phạm pháp luật của phía Hoa Kỳ gửi đến các cơ quan chức năng vẫn “bặt vô âm tín”.

Riêng về tài chính của Trường QTHN, mọi hoạt động của những năm học vừa qua (2002-2003 và 2003-2004) cũng như của năm học 2004-2005, ông Chủ tịch HĐQT không được báo cáo. Sự thực thì hoạt động tài chính của Trường đang hoàn toàn nằm trong tay ông Nguyễn Đình Hoan (Việt kiều Mỹ).

Từ ngày thành lập tới nay, Trường QTHN “mang tiếng” làm ăn thua lỗ, do đang phải trả nợ vốn vay từ thời kỳ đầu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV báo Tiền Phong, xung quanh doanh thu, vốn pháp định và vốn vay của Trường QTHN đang có nhiều vấn đề phải làm rõ. Về doanh thu, thiếu hụt giữa số thu thể hiện ở báo cáo của Kế toán trưởng với số thu tính theo số học sinh của Trường là khoảng 30 tỷ đồng!

Về vốn pháp định, có dấu hiệu phía Hoa Kỳ chưa góp đủ, thậm chí có thể chưa góp. Đặc biệt là khoản vốn vay để Cty hoạt động ngày đầu thành lập (1,2 triệu USD), phía Hoa Kỳ sau khi nhập vào tài khoản, đã lập tức rút ra (?!). Điều này thể hiện tại tài khoản mở tại Citibank: Ngày 17/3/1997, đối tác Hoa Kỳ đã nhập vào 1 triệu USD; tuy nhiên, họ đã rút toàn bộ số tiền này ra ngày 31/3/1997 (?!).

Tương tự, ngày 2/4/1999, phía đối tác Hoa Kỳ nhập vào 200.000USD, nhưng số tiền này lại được lập tức rút ra ngày 8/4/1999 (?!). Nhiều năm qua, Trường QTHN đã và đang phải trả gốc và lãi cho số tiền vay 1,2 triệu USD này. Việc “nhập vào - rút ra” hiện chưa được làm rõ. Nếu đây là khoản vay “ảo”, rõ ràng vấn đề là rất nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Dĩ nhiên, vấn đề này chỉ có thể được làm rõ và xử lý nghiêm, nếu các cơ quan chức năng như thanh tra, điều tra vào cuộc.

Những sai phạm ở Trường QTHN đã kéo dài nhiều năm, và vẫn tiếp diễn ngay cả khi Đoàn kiểm tra liên ngành Chính phủ về đây kiểm tra và có kết luận. Hiện tại dư luận hết sức bức xúc với câu hỏi: Đến bao giờ thì những sai phạm ở đây được xử lý dứt điểm?

MỚI - NÓNG