Bạo lực học đường gia tăng gấp 10 lần

Ngôi trường vừa xẩy ra vụ bạo lực học đường nghiêm trọng
Ngôi trường vừa xẩy ra vụ bạo lực học đường nghiêm trọng
TPO - Một thống kê năm 2012 cho thấy, tình trạng bạo lực học đường ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước đó.

Bàng hoàng, và phẫn nộ là cảm giác của hầu hết mọi người khi xem clip 5 nữ sinh Hưng Yên xông vào lột đồ, đánh bạn đến mức phải nhập viện tâm thần ở Hưng Yên. Không thể hiểu nổi, tại sao lại thế… là câu hỏi mà ai cũng đặt ra khi nhìn vết thâm tím trên thân thể 22 em học sinh bị cô giáo dùng thước đánh ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Gia đình, nhà trường, xã hội sẽ phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Trong một nghiên cứu mới đây về Đề tài bạo lực học đường- một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) ở Việt nam xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, mở rộng đối tượng bị bạo lực và gây bạo lực.

Số liệu thống kê năm 2012 cho thấy tình trạng BLHĐ ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước đó. Một báo cáo về BLHD do UNESCO thực hiện ở Việt Nam năm 2014- 2015 cũng cho thấy, hơn một nửa (51.9%) số học sinh (HS) tham gia khảo sát (2636 em) cho biết là đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong vòng 6 tháng trước cuộc khảo sát.

Đáng báo động là thời gian gần đây, tính chất các vụ BLHD xẩy ra ngày càng nghiêm trọng. HS không chỉ gây hấn, bôi nhọ hay dọa dẫm lẫn nhau mà nhiều em đã sử dụng hung khí, đánh hội đồng dẫn đến thương tích nặng, tử vong...

Ảnh hưởng của các vụ bạo lực không dừng ở phạm vi hẹp mà nhanh chóng lan rộng qua việc quay và phát tán clip trên mạng xã hội với cảnh đánh nhau rất kinh hoàng không chỉ giữa HS nam với nhau, mà gần đây các nhóm HS nữ cũng thể hiện các hành vi bạo lực một cách tàn bạo, man rợ, ai xem cùng phải khiếp đảm.

Chính sách nhiều, nhưng chưa thực sự hiệu quả


Mặc dù trong thời gian qua Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chỉ thị để phòng chống tình trạng bạo lực học đường, tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh nhận định: “các chính sách tác động chưa thực sự hiệu quả, tình trạng BLHĐ vẫn diễn tiến nhanh và tiềm ẩn ngày càng phức tạp, khó xử lý triệt để”.

PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh cho rằng, muốn hiểu được bản chất của tình trạng BLHD để có thể đưa ra các giải pháp ngăn chặn hiệu quả, phải nhìn nhận tổng thể từ góc độ tâm lý học, giáo dục học và xã hội học.

Một điều dễ nhận thấy là người học, đặc biệt trong độ tuổi HS THCS là một đối tượng đặc biệt phức tạp. HS ở giai đoạn lứa tuổi “khủng hoảng”, bởi sự không cân bằng giữa phát triển sinh lý và xã hội. Các em chưa trưởng thành về nhận thức và trách nhiệm hành vi.

Trong khi đó, bối cảnh xã hội ngày nay thay đổi chóng mặt, tác động xã hội nhanh và trực tiếp đến người học qua các kênh thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội với nhiều ảnh hưởng xấu đến HS, cổ xúy cho các hành vi tiêu cực, phản cảm, trái quy chuẩn đạo đức… nên càng làm phức tạp hơn diến biến tâm lý bên trong của mỗi HS.

Trong khi là đối tượng bị bạo lực, hay đối tượng gây ra bạo lực, thì chính HS lại không được coi là trung tâm trong giải quyết BLHĐ vì mỗi khi xảy ra chuyện, thường là người lớn nhảy vào giải quyết, gạt học sinh sang một bên!

Một thực tế khác cũng phải kể đến là thực trạng thầy, cô, cha mẹ, người lớn xung quanh không hiểu được người học, đặc biệt là sự phát triển phức tạp và đầy biến động của họ ở lứa tuổi THCS khi nói “không có ai phản ánh gì” hay “ở nhà các cháu rất ngoan ngoãn, nghe lời…”. Thầy, cô và Cha, mẹ coi nhẹ vấn nạn BLHĐ và chưa nhận thức đúng ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của người học, con em mình, vì thế, có hành vi bao che, bỏ qua cho các đối tượng có liên quan.

Điều quan ngại hơn, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh là chưa có sự kết nối chặt chẽ của 3 lực lượng giáo dục cơ bản: Nhà trường- gia đình- cộng đồng. Mặc dù là lực lượng giáo dục đặc biệt quan trọng, nhưng hầu như gia đình chưa tham gia tích cực vào giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống cho HS.

Nhiều gia đình gần như phó mặc con cho nhà trường, xã hội. Không kiểm soát những gì con tiếp xúc hàng ngày, trên mạng xã hội, phương tiện giải trí.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, thành tố quan trọng trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện ở cơ sở giáo dục đó chính là mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau giữa người dạy, người học, người lớn làm việc với trẻ em, thông qua việc hình thành kết nối cảm xúc tích cực và hỗ trợ giữa các thành viên trong nhà trường.

Để có được môi trường này, các chuyên gia về giáo dục cho rằng, không chỉ giáo viên mà cha, mẹ cũng phải thay đổi quan hệ với người học, với con em mình, coi trọng việc gần gũi, tạo ra sự kết nối cảm xúc tích cực với các em, để các em có thể tin cậy và chia sẻ.

Quan trọng nhất, đó là gia đình và nhà trường có sự kết hợp chặt chẽ, liên lạc trao đổi, cập nhật thường xuyên thông tin và tình hình của trẻ để có thể phát hiện, điều chỉnh và uốn nắn kịp thời những tư tưởng, hành động lệch chuẩn của các em. Bên cạnh đó, Phụ huynh cần tôn trọng thầy cô để làm gương cho chính con em mình. Trẻ em, nhất là lứa tuổi “nổi loạn” cần có những tấm gương thực sự để noi theo chứ không thể chỉ sử dụng hình phạt và kỷ luật để ép các em vào khuôn khổ.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.