Bạo lực học đường ngày một gia tăng

Bạo lực học đường ngày một gia tăng
TP - Bạo lực trong học đường đang ở mức báo động, gây nên sự bất an, bất bình ở học sinh và phụ huynh. Ngày 25/12, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm về vấn đề này.

Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh cho biết, bạo lực trẻ em trong học đường tại TP Hồ Chí Minh tăng đột biến và mức độ ngày một nghiêm trọng. Không những thế, thanh thiếu niên còn có nhiều biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, tiêu xài hoang phí, lười lao động, sống ích kỷ…

Mặt khác, theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Việt Nam, tỉ lệ học sinh nói dối cha mẹ: tiểu học 22%, THCS 50%, THPT 64%; tỉ lệ không chấp hành ATGT: tiểu học 4%, THCS 35% và THPT 70%...

Những con số này cho thấy, càng lớn, ý thức, đạo đức của học sinh càng đi xuống. Một con số khác cũng rất đáng suy nghĩ là có tới 51,4% sinh viên cho rằng sống thử trước hôn nhân là hiện tượng bình thường.

Nhưng con số mà Sở LĐTBXH và đại diện của Viện KSND TP Hồ Chí Minh đưa ra đáng suy nghĩ nhất. Tỷ lệ phạm tội của người trẻ ngày một tăng, nếu năm 1986 có 3.607 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện thì sau đó 10 năm, con số này đã là 11.726 em (năm 1996).

Tính trung bình mỗi năm, trên cả nước có tới 4.746 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện. Tệ nạn ma túy trong học đường cũng đã đến mức đáng báo động. Nếu năm 2004 có 600 học sinh, sinh viên nghiện ma túy thì đến năm 2007 đã  có 1.234 học sinh, sinh viên nghiện ma túy.

Theo Viện KSND TP Hồ Chí Minh, riêng trong năm 2008, số vụ vi phạm của học sinh đang đi học là 18 vụ, trong đó tội giết người là 5, hiếp dâm 6, gây rối trật tự công cộng 6 và phá hủy công trình 1. Vị đại diện Viện KSND TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc giáo dục giới tính trong nhà trường hiện nay còn bộc lộ rất nhiều hạn chế.

Đặc biệt, cha mẹ chưa thực sự quan tâm tới con cái cũng là nguyên nhân bạo lực học đường tăng cao. So với năm 2007 thì tình trạng bạo lực học đường năm 2008 có sự tăng đột biến.

Vị này đưa ra một ví dụ cụ thể: “Vào ngày 5/11/2008 vừa qua, chỉ do một xích mích nhỏ với người bạn của mình mà một học sinh lớp 9 ở huyện Củ Chi đã lấy dao Thái Lan đâm chết bạn mình ngay tại sân trường”.

Nguyên nhân do đâu?

Bạo lực học đường ngày một tăng khiến dư luận và xã hội băn khoăn, trăn trở. Theo tư vấn viên trường THCS Phú Mỹ quận Bình Thạnh Nguyễn Thị Hữu Phương: “Học sinh đánh nhau chỉ vì những nguyên nhân rất đơn giản. Mà đôi khi đánh có tổ chức, đánh có vũ khí…”.

Tư vấn viên Hữu Phương băn khoăn: “Đối diện với sự thật này chúng ta cảm thấy rất đau lòng, phải chăng xuất phát từ sự chủ quan, thiếu quan tâm của các bậc sinh thành, hay là do nguyên nhân xã hội”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, nguyên nhân của vấn đề này là do sự liên kết trong lối sống của xã hội, của gia đình ngày nay đang ngày một lỏng lẻo. Nếu không tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường – xã hội thì có nói nhiều bao nhiêu cũng không có kết quả như mong muốn.

Còn thầy Trần Đức Thịnh (trường THPT Dân lập Ngôi Sao) khẳng định, bạo lực học đường là do mặt trái của xã hội gây ra, và xã hội càng phát triển nhanh bao nhiêu thì mặt trái nhiều bấy nhiêu.

Một nguyên nhân nữa mà nhiều ý kiến còn băn khoăn và bức xúc khi mà việc bạo lực trong học đường khi phát hiện thường bị bỏ qua hoặc rất khó phát hiện và chỉ được dư luận quan tâm khi xảy ra những vụ việc nghiêm trọng.

Những vụ ẩu đả diễn ra bên ngoài cổng trường thường ít được báo cáo với Ban Giám hiệu mà chỉ lan truyền trong giới học sinh với nhau. Bản thân các nạn nhân, những người bị bắt nạt, hành hung, cũng thường giấu kín vụ việc ngay cả với cha mẹ, thầy cô giáo của mình…

Để giảm thiểu bạo lực học đường, nhiều ý kiến cho rằng không thể khoán trắng và quy trách nhiệm cho nhà trường mà cần phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội.

Giáo dục các em, phải biết kiên trì, lắng nghe, chia sẻ khó khăn, lấy tình thương để cảm hóa các em. Nên dạy các em kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, tình huống…

Đồng thời, thầy cô, cha mẹ cũng phải gương mẫu trong việc ứng xử có văn hóa để làm gương cho con trẻ. Mỗi trường cũng cần phải có một phòng tư vấn để giải tỏa những bức xúc, áp lực của các em, làm cho thầy cô, học trò gần nhau, hiểu nhau hơn.     

MỚI - NÓNG