Bạo lực ở tuổi học làm người

Bạo lực ở tuổi học làm người
TP - Tiền Phong ngày 16-3 ghi câu nói của Phạm Tường Vi, nhân vật chính trong video clip nữ sinh đánh nhau gây xôn xao dư luận tuần qua. “Nó thích đánh nhau thì bọn cháu đánh cho nó biết. Hỏi nếu thua thì thế nào, Vi đáp: Thua cũng không chạy, đánh đến cùng”.

>> Vô tư và vô cảm

Giữa các nữ sinh bây giờ, không chỉ có một vụ đánh nhau giữa phố ấy. Rất nhiều vụ khác nữa, nhan nhản trên mạng internet, báo viết, sóng phát thanh và chắc chắn còn nhiều hơn trong cuộc sống. Tư tưởng bạo lực tại sao lại ngự trị lứa tuổi học làm người giữa cuộc sống thời bình?

Có ý kiến cho rằng do tiêm nhiễm những hành vi bạo lực ở các trò chơi trên mạng và phim ảnh. Nếu vậy thì chương trình giáo dục trong nhà trường đã có nội dung nào giúp học sinh tự vệ trước sự tiêm nhiễm?

Trong nhà trường lại còn nảy nở nhiều vụ việc không hướng các nữ sinh đến những đức tính tốt đẹp tạo hóa ban cho người phụ nữ Việt Nam: công, dung, ngôn, hạnh.

Những vụ thầy trò “đổi tình lấy điểm” bị phát hiện không chỉ một vài nơi, cho thấy môi trường giáo dục đang bị vấy bẩn như thế nào. Mà làm vấy bẩn môi trường giáo dục này không chỉ do một số giáo viên hư hỏng, vụ án Sầm Đức Xương ở tỉnh Hà Giang là một điển hình đang ngột ngạt xã hội.

Từ lâu xã hội đã vang lên những báo động khẩn thiết: Các giá trị đạo đức đang bị đảo lộn. Quy luật mạnh được yếu thua thắng thế ở nhiều nơi,  từ đi đường đến đi học, từ chữa bệnh đến làm ăn...

Tất cả những điều này đang tác động vào tuổi học trò, gieo mầm bạo lực cho tuổi ô mai.

MỚI - NÓNG