Báo Today: SITC kinh doanh kiểu đa cấp

Báo Today: SITC kinh doanh kiểu đa cấp
TP- Phóng viên Loh Chee Kong theo sát vụ SITC suốt nhiều tháng qua vừa có bài điều tra tiết lộ những sự thật phía sau sự sụp đổ hàng loạt của hệ thống đào tạo này tại Việt Nam.
Báo Today: SITC kinh doanh kiểu đa cấp ảnh 1
Một số phụ huynh học viên trước một trung tâm SITC tại Hà Nội đóng cửa

Bài viết được đăng trên báo in Today (Singapore) ngày 8/2, chưa được phát lên mạng (www.todayonline.com).

Tiền phong dịch và đăng bài viết của Loh Chee Kong với sự cho phép của anh cùng Ban Biên tập tờ Today.

Việc các học sinh ở Việt Nam có ý định kiện để đòi lại tiền của họ cho thấy sự sụp đổ dây chuyền của các trường tư được đầu tư bởi người Singapore là một mớ hỗn độn.

Các nguồn tin thân cận với The Singapore International Training Consultancy (SITC) Holding, Cty điều hành các trường tư tại Việt Nam, tiết lộ rằng việc kinh doanh được thực hiện bởi mô hình tiếp thị đa cấp.

19 trường ở Việt Nam được ra đời trong một khoảng thời gian ngắn 2 năm và 12 trường trong số này hoạt động không có giấy phép từ Sở Giáo dục & Đào tạo của các thành phố.

Lợi nhuận mỗi tháng từ 30 - 100 USD được trả cho các cổ đông.

Cách đây 2 năm, nữ thương gia Singapore Angela Lee được gạ gẫm để đầu tư 10.000 USD vào Cty, nhưng bà đã từ chối khi phát hiện ra kiểu kinh doanh có vấn đề này. Bà cũng từ chối giúp đỡ Cty trong việc tuyển mộ các nhà đầu tư.

Bà Lee phát biểu với Today: “Họ nói với tôi họ sử dụng kiểu kinh doanh đa cấp. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục, bạn là nhà cung cấp dịch vụ vì thế làm sao có thể điều hành kinh doanh theo hình thức đa cấp vốn được dựa trên sản phẩm?”.

Một giám đốc của SITC cũng tiết lộ rằng các nhà đầu tư mới bị trói buộc để thành lập trường mới trong một khoảng thời gian với số tiền lên tới 125.000 USD. Để có đủ học viên trong khoảng thời gian đó, mức phí đưa ra thường thấp hơn.

Tháng 11/2004, các Giám đốc ở Singapore đã cảnh báo về tốc độ phình ra này và yêu cầu ông Michael Yu, người Đài Loan, điều hành Cty tại Việt Nam, phải ngừng việc mở các trường học mới. Chỉ trong ít tháng, ông Yu đã bắt đầu yêu cầu Cty giúp đỡ trực tiếp về tài chính.

Rối rắm trong vấn đề tài chính được phát hiện khi một Giám đốc sang Việt Nam để kiểm tra các tài khoản chi tiết vào tháng 6/2005. Sự thật là tất cả các trường học đều hoạt động trong tình trạng thâm hụt tài chính.

Các Giám đốc Singapore thông báo cho cảnh sát để có biện pháp với ông Yu, người đã biến mất từ lâu.

Hệ thống trường tư, được đầu tư 2 triệu USD bởi 82 cổ đông Singapore hoạt động ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Singapore. Sự thật là nhiều dự án trong số này không bao giờ hoạt động, Ban Giám đốc Singapore nói với tờ Today.

...Một cựu quản lý khu vực người Singapore cho biết SITC đã sử dụng công cụ tiếp thị như các phiếu đào tạo (chứng nhận đã trả tiền cho khoá học - ND) có thể được cung cấp bởi bất kỳ người nào và bán chúng để thu lợi nhuận nhanh.

Tiêu biểu, các phiếu này được bán với giá 30 USD, ít hơn so với phí của khoá học. Khi tin tức về những rắc rối của SITC lan rộng, người ta hốt hoảng bán các phiếu học này và khiến chúng trở nên không còn giá trị.

Ít nhất một nhóm học sinh Việt Nam đang có kế hoạch đưa SITC Holding ra tòa. Khoảng 300 học sinh theo học chương trình MBA từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang tiến hành vụ kiện chống lại SITC vì lừa đảo...

Loh Chee Kong
Trí Đường trích dịch

* Đầu đề do Tiền phong đặt

MỚI - NÓNG