Bất cập bỏ thi vào lớp 6 trường điểm: Bộ GD&ĐT nói gì?

Một lớp học tại trường Nguyễn Siêu, Hà Nội. Ảnh: N.H.
Một lớp học tại trường Nguyễn Siêu, Hà Nội. Ảnh: N.H.
TP - Sau khi Tiền Phong có loạt bài phản ánh những bất cập sau hai năm bỏ thi vào lớp 6 trường điểm, hôm qua, Bộ GD&ĐT đã có câu trả lời chính thức về vấn đề này. 

Trả lời phỏng vấn PV báo Tiền Phong, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Việc không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 đã giảm được tình trạng học thêm, dạy thêm, luyện thi ở cấp tiểu học. Tuy nhiên, trường đặc thù còn gặp một số khó khăn. Chính vì vậy, thời gian tới, Bộ sẽ điều chỉnh, bổ sung nếu thấy cần thiết đối với quy định này. 

Qua tìm hiểu của Tiền Phong, nhiều trường THCS chất lượng cao, THCS ngoài công lập thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh nhưng chỉ tiêu chỉ có hạn. Để tuyển sinh, họ phải dùng tiêu chí phụ làm tiêu chí chính để xét tuyển. Nhưng các trường cho biết, với cách làm này họ tuyển sinh đầu vào không được như ý muốn và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mũi nhọn ở bậc THPT. Bộ GD&ĐT nghĩ sao về điều này?

Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã nêu rõ:“không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao” nên cấp THCS trong một số trường chuyên như: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường Phổ thông Năng khiếu Trần Đại Nghĩa-Thành phố Hồ Chí Minh,… chỉ là hệ THCS không chuyên trong trường chuyên.

Cũng cần nói thêm rằng, theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, địa phương này đang triển khai xây dựng hệ thống các trường cung cấp dịch vụ chất lượng cao theo Luật Thủ đô, đến nay công nhận được 15 trường, trong đó chỉ có 1 trường THCS là trường THCS Nam Từ Liêm thuộc loại hình công lập được công nhận; các địa phương khác hầu như chưa có quy định và kiểm tra, công nhận loại hình trường này.

Tuy nhiên, trên thực tế một số trường THCS có chất lượng giáo dục tốt, tạo được uy tín, niềm tin đối với xã hội nên số lượng học sinh đăng kí xét tuyển cao. Đây là tín hiệu tốt, là động lực để các trường phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, thu hút được nhiều học sinh quan tâm và lựa chọn.

Để chọn được những học sinh có năng lực tốt, ngoài tiêu chí về kiến thức (đã được thể hiện thông qua kết quả đánh giá hoàn thành chương trình tiểu học), các trường này có thể sử dụng một số tiêu chí và phương thức phù hợp khác. Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH của Bộ đã nêu rõ: “Nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục này căn cứ các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét quyết định”. Theo đó, các nhà trường có thể xây dựng phương án riêng để đánh giá năng lực của học sinh mà không cần tổ chức thi tuyển, gây áp lực không cần thiết cho học sinh.

Theo quy định của Luật Giáo dục, cấp THCS là cấp học phổ cập giáo dục, nhà nước tạo điều kiện để mọi trẻ em hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học đều được vào học THCS. Như vậy, để tuyển được học sinh như ý muốn, các trường cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn để xây dựng phương án phù hợp, khả thi.

Thực tế trong hai năm qua, hầu hết các trường THCS có chất lượng giáo dục cao hơn đã thực hiện phương án tuyển sinh tự chủ của mình và đã chọn được những học sinh có năng lực tốt nhất trong số các học sinh đăng kí, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao chất giáo dục của nhà trường.

Trước mong muốn được giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường THCS có số lượng học sinh đăng kí nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ có hướng điều chỉnh như thế nào đối với quy định cấm thi vào lớp 6?

Việc quy định không tổ chức thi tuyển vào lớp 6 là phù hợp với Luật Giáo dục, góp phần hạn chế dạy thêm, học thêm, giảm áp lực cho học sinh và thực tế triển khai trong những năm qua đạt hiệu quả tích cực. Hơn nữa, Bộ GD&ĐT cũng đã giao quyền tự chủ xây dựng phương án tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng kí nhiều hơn chỉ tiêu như đã nói ở trên.

Bên cạnh đó, ngày 5/5/2017, Bộ đã có Công văn số 1915/BGDĐT-GDTrH về việc tinh giảm các cuộc thi, trong đó yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục chỉ tổ chức một số cuộc thi có nội dung gắn liền với hoạt động dạy học chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo để vận dụng những kiến thức đã học, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất của giáo viên và học sinh.

Điều này vừa để tinh giảm số lượng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả các cuộc thi/hội thi, đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh, trong đó có sử dụng kết quả các cuộc thi/hội thi dành cho học sinh.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục rà soát lại các quy định hiện hành về kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học, thi và tuyển sinh đầu cấp và sẽ có điều chỉnh, bổ sung nếu xét thấy cần thiết nhằm đảm bảo việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp phổ thông khách quan, công bằng, có chất lượng, tạo thuận lợi cho địa phương và cơ sở giáo dục.

“Nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục này căn cứ các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét quyết định”.

Trích Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT

MỚI - NÓNG