Bắt học sinh uống nước giẻ lau - điều gì xảy ra với ngành giáo dục?

Cô giáo Nguyễn Thị Minh H bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh H bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng.
Khi đọc những dòng tin về việc cô giáo Nguyễn Thị Minh H. - Chủ nhiệm lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) răn đe học sinh hay nói chuyện trong lớp bằng hình thức vắt nước giẻ lau bảng bắt uống, tôi đã sốc.

Nguyên ngày, tôi cứ trở đi trở lại mãi câu hỏi: Có chuyện gì đang diễn ra với ngành giáo dục thế này?

Cho tới giờ, tôi vẫn không làm sao cắt nghĩa nổi.

Tôi nhớ, thời điểm mà mà tôi học - những năm đầu 90, hình phạt nặng nhất cho lỗi nói chuyện trong giờ là những cái gõ tay bằng thước kẻ của thầy cô hay cùng lắm là những cái xoắn tai đủ để không tái diễn.

Rồi chúng tôi lên cấp, vào đại học, ra trường, lập gia đình... cũng không ai cần phải nhắc, đều đặn hàng năm tới thăm, ôn lại kỷ niệm với thầy cô (có người đã già yếu, có thầy cô đã mất) trong tiếng cười giòn tan như thuở học trò.

Thế mà bây giờ, chỉ trong vòng một ngày, từ Nam - Trung - Bắc dồn dập những thông tin tới ngỡ ngàng: Thầy giáo dạy văn của Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận, TP.HCM) bị tạm ngưng công việc vì mỗi khi đứng lớp lại tuôn những từ cực kỳ tục tĩu, xúc phạm học sinh; tại Quảng Bình, chỉ vì thầy giáo nhắc nhở, nam học sinh thủ sẵn dao bấm đâm thấu phổi thầy; rồi liên quan tới việc nữ sinh phản ánh cô giáo lên lớp không giảng bài suốt 3 tháng, em Phạm Song Toàn - người dũng cảm đứng lên nói sự thật được chuyển trường vì quá áp lực.

Dẫu có thể chỉ là cá biệt, dẫu có thể không đại diện cho số đông nhưng những vụ việc như thầy cô giáo “hành hạ” học sinh, học sinh “tẩn” lại thầy cô giáo... phần nào cho thấy ngành giáo dục đang thực sự có vấn đề.

Bắt học sinh uống nước giẻ lau - điều gì xảy ra với ngành giáo dục? ảnh 1 Em Phạm Song Toàn - người nói ra sự thật về cô giáo không giảng bài suốt 3 tháng được chuyển trường vì áp lực...

Quá nhiều hội thảo, hội nghị, những vấn đề to tát như “cải cách giáo dục”, “đổi mới nội dung, chương trình giáo dục”, “đổi mới công tác quản lý giáo dục“... được nhắc đến, mổ xẻ.

Những câu chuyện này cũng quan trọng nhưng có lẽ việc cấp thiết, cần hơn bây giờ với ngành giáo dục đó là nên bàn cách khoả lấp những khoảng trống “chết người” về văn hoá ứng xử “thầy - trò” và lễ nghĩa “trò - thầy”.

Có như thế, giáo dục mới thực sự đúng nghĩa với sứ mệnh vốn có của nó là giúp phát triển con người, biến con người thành có đạo đức!

Theo Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG