Bật mí về kỳ thi THPT quốc gia 2015

Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh để đạt được 2 mục đích: tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga, mỗi cụm thi do các trường ĐH uy tín tổ chức sẽ có trung bình khoảng 30.000-40.000 thí sinh. Dự kiến sẽ có khoảng 25-30 cụm thi do các trường ĐH chủ trì trong kỳ thi THPT quốc gia 2015. Bộ GD-ĐT đang tiến hành khảo sát thực tế tại các cụm thi trước khi công bố danh sách chính thức.

Đề thi không phân biệt cụm thi

Bộ GD-ĐT cho hay việc coi thi, chấm thi sẽ được thực hiện tại các cụm với sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ và giáo viên các trường THPT. Chính vì thế, công tác khảo sát rất quan trọng. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD-ĐT đang khảo sát thực tế tại các cụm thi về địa lý, quy mô thí sinh, cơ sở vật chất, năng lực trường ĐH chủ trì...

Thí sinh trao đổi về đề thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 Ảnh: TẤN THẠNH

Thí sinh trao đổi về đề thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 Ảnh: TẤN THẠNH

Riêng tại các cụm thi địa phương dành cho những thí sinh chỉ có mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT mà không lấy kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của sở GD-ĐT như trước đây, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường huy động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức thi.

Trước lo lắng về việc tổ chức thi ở các cụm địa phương và cụm thi ở các trường ĐH có thể sẽ dẫn đến không công bằng, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định bộ đã lường được vấn đề này và chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ để bảo đảm tính nghiêm túc của kỳ thi tại địa phương.

“Không phân biệt thí sinh thi tại cụm nào, thí sinh đều cùng làm một đề theo định hướng đánh giá năng lực, tăng mức yêu cầu vận dụng, câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Điều này sẽ hạn chế việc quay cóp, trao đổi bài và hiện tượng dùng “phao” thi. Đặc biệt, các cụm thi tại tỉnh sẽ tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, phát huy vai trò giám sát của xã hội đối với kỳ thi” - lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Định dạng tương tự đề thi năm 2014

Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ có định dạng tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.

Đề thi bảo đảm phân hóa trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Vì vậy, đề thi gồm các câu hỏi từ dễ đến khó, đáp ứng yêu cầu cơ bản (thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đủ điều kiện để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để phân hóa thí sinh, phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ).

Bộ GD-ĐT khẳng định tự chủ tuyển sinh là quyền của các trường. Vì vậy, cùng với việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, các trường có thể chủ động căn cứ quy chế tuyển sinh để sử dụng thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác, như: phỏng vấn, viết luận...

Kết hợp nhiều hình thức kiểm tra năng lực

ĐHQG Hà Nội vừa cho biết năm 2015, ĐH này thống nhất dùng 1 bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung để đánh giá các thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào trường. Thí sinh sẽ phải làm bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung được tổ chức vào 2 đợt tháng 5 và cuối tháng 7-2015.

Để giúp thí sinh làm quen với dạng thức của bài thi, ĐHQG Hà Nội vừa công bố bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung mẫu dưới hình thức thi thử miễn phí trên trang thông tin điện tử của trường. Bài thi này bao quát kiến thức cơ bản của môn toán học, ngữ văn, các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội của bậc THPT.

Trong bài thi này, các câu hỏi kiểm tra kiến thức sẽ được giảm dần, các câu hỏi mang tính ứng dụng vào thực tiễn trong cuộc sống sẽ được tăng dần theo lộ trình thời gian thích hợp gắn liền với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục THPT.

Theo Theo Người Lao Động
MỚI - NÓNG