Bắt đầu thanh, kiểm tra công tác chấm thi

Bắt đầu thanh, kiểm tra công tác chấm thi
Bắt đầu từ hôm nay, 20/7, Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức 2 đoàn kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở 30 trường ĐH, CĐ. Ngoài ra, còn có 2 đoàn kiểm tra công tác tổ chức chấm thi. Tổng cộng sẽ có khoảng 50 trường được thanh tra, kiểm tra.

Sáng 19/7/2005, tại cuộc họp giao ban của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long đã báo cáo về tình hình tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005 trước lãnh đạo các cơ quan truyền thông.

Trước hết, Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định: “Hai đợt thi ĐH năm 2005 đã kết thúc thắng lợi trong trật tự, an toàn, đúng quy chế”.

Minh chứng cho nhận định đó, Thứ trưởng Bành Tiến Long nêu lên 4 điểm nổi bật của 2 đợt thi năm nay:

- Việc triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi được tiến hành kỹ lưỡng;

- Khâu ra đề có nhiều đổi mới (bám sát chương trình, không sai sót, không lắt léo, độ phức tạp và độ khó giảm) và được bảo mật tuyệt đối;

- Dù tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT giảm khoảng 2% so với năm trước nhưng số thí sinh dự thi vẫn tăng so với năm trước (tăng 109.767 thí sinh);

- Kỷ luật phòng thi nghiêm hơn, nhưng không khí thi cử không quá căng thẳng, tình trạng gian lận thi cử bị đẩy lùi.

Thứ trưởng Bành Tiến Long cũng cho biết, công việc tiếp theo của công tác tuyển sinh ĐH, CĐ 2005 bao gồm khâu chấm thi và xét tuyển. Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các trường thực hiện khâu này đúng quy chế, đúng tiến độ.

Theo đó, các trường phải hoàn tất việc chấm thi trước ngày 10/8. Ngày 15/8 Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm sàn. Sau đó, việc xét tuyển sẽ được tiến hành trong 3 đợt. Đợt 1: trước ngày 20/8. Đợt 2: từ 25/8 đến 15/9. Đợt 3: từ 15/9 đến 5/10.

Quy trình khâu xét tuyển như sau: Các trường ĐH – Học viện phải có báo cáo Bộ GD&ĐT điểm sàn và công bố điểm trúng tuyển, gửi giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm, giấy trúng tuyển và gửi giấy báo trúng tuyển cho các Sở GD&ĐT. Với xét tuyển đợt 2 và đợt 3, các trường có nhu cầu xét tuyển sẽ phải tiến hành thêm phần việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh.

Thứ trưởng Bành Tiến Long cũng thừa nhận một số mặt chưa được trong công tác tổ chức 2 đợt thi ĐH vừa qua: Thông tin cho thí sinh về kỳ thi tuyển sinh vẫn còn thiếu khiến thí sinh phải chỉnh sửa nhiều trong hồ sơ đăng ký dự thi; Một số cán bộ coi thi vẫn còn chủ quan, vi phạm quy chế (rời bỏ vị trí được giao, làm việc riêng trong khi coi thi, dùng điện thoại di động khi tham gia công tác coi thi)...

Giải trình về vụ “lò” luyện thi C1 ĐH Sư phạm Hà Nội, Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định: Thầy dạy của “lò” luyện này không tham gia làm đề thi nên không thể đưa được ý đồ không trong sáng (nếu có) vào đề thi. (Thực chất, vị cán bộ đó vẫn là một thành viên trong Ban đề thi của Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2005. Nếu không phải là người trực tiếp ra đề thì đó là điều ngẫu nhiên chứ không phải là Bộ GD&ĐT cố tình sắp xếp như thế – PV).

Để hạn chế tiêu cực trong việc một cán bộ vừa tham gia Ban ra đề của Bộ, vừa tham gia luyện thi ĐH, Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết xử lý cán bộ nào tiết lộ thông tin mình sẽ là thành viên Ban ra đề và dùng điều đó để quảng cáo, thu hút thí sinh đến luyện thi.

Các hội đồng chấm phải tuân thủ nghiêm ngặt việc chấm 2 vòng độc lập

Ông Trần Bá Giao - Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT – cho biết: Bắt đầu từ hôm nay (20/7), Thanh tra Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức 2 đoàn đi kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở 30 trường ĐH, CĐ có tổ chức thi để thanh tra quy trình tổ chức chấm thi và chấm thanh tra.

Ngoài ra, còn có 2 đoàn của Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ đi kiểm tra công tác tổ chức chấm thi của các ĐH, Học viện. Tổng cộng sẽ có khoảng 50 trường được thanh tra, kiểm tra. Mỗi đoàn sẽ bao gồm 8 người.

Về phần việc của 2 đoàn thanh tra sẽ bao gồm: kiểm tra quy trình chấm thi (theo đúng quy chế hay không) và chấm thanh tra (chấm trực tiếp các bài thi của thí sinh để qua đó kiểm tra đánh giá việc chấm của các cơ sở).

Những đơn vị được lựa chọn để thanh tra vừa ngẫu nhiên, vừa trên cơ sở những hội đồng chấm thi nào mà đoàn thanh tra thấy cần thiết phải thanh tra. Mục đích của công tác thanh tra là đảm bảo kiểm soát được tình hình chấm thi trên cả nước, không để có vấn đề đáng tiếc gì xảy ra trong quá trình chấm thi.

Theo ông Trần Bá Giao, trong việc kiểm tra quy trình chấm thi, chi tiết sẽ đặc biệt được lưu ý là về yêu cầu chấm thi 2 vòng độc lập ở 2 phòng khác nhau trong các hội đồng chấm thi. Những năm trước, việc vi phạm về yêu cầu chấm 2 vòng độc lập đã từng xảy ra ở một số Hội đồng. 

10/8 là thời hạn cuối cùng mà Bộ yêu cầu các trường phải hoàn thành công tác chấm thi. Do đó, Bộ GD&ĐT cũng đã nhắc nhở các trường bố trí khoa học trong việc chấm.

Chủ tịch HĐTS của các trường cần chủ động sắp xếp thời gian phù hợp với số lượng bài cần chấm. Cần căn cứ vào quỹ thời gian dài – ngắn để hợp đồng (hoặc điều động) số lượng nhiều hay ít cán bộ chấm thi. Làm sao để không bị áp lực số lượng và thời gian để chấm thi không chính xác hoặc chấm ẩu.

Về công tác chấm thi, trách nhiệm chính là của các trường. Bộ GD&ĐT chỉ có vai trò chỉ đạo, đôn đốc, giám sát. Vì thế, các trường không chỉ có lực lượng chấm thi mà còn có lực lượng giám sát và thanh tra chấm để đảm bảo khâu chấm thi chính xác, công bằng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.