Bảy điểm ba môn, đỗ 20 trường

Bảy điểm ba môn, đỗ 20 trường
TP - Sau kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009, nhiều học sinh nhận được giấy báo nhập học, giấy triệu tập học của các trường khác nhau, trong khi điểm thi của họ chỉ đạt 6 - 7 điểm cho ba môn.
Bảy điểm ba môn, đỗ 20 trường ảnh 1

Những giấy mời nhập học vét những học sinh có ba môn thi 7 điểm - Ảnh: M.Đ

Theo em Nguyễn Thị Thúy, quê ở Minh Quang (Ba Vì – Hà Nội), kỳ tuyển sinh ĐH - CĐ 2009, em chỉ đăng ký thi tại một trường đại học tại Hà Nội, tổng số điểm ba môn thi là bảy điểm nên không đủ để vào học tại trường này.

Tuy nhiên, đến nay, có gần hai chục giấy triệu tập, giấy báo nhập học của nhiều trường khác nhau tới tấp gửi về gia đình. Có trường đào tạo hệ đại học, có trường đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, thậm chí có trường tận TP Hồ Chí Minh cũng biết địa chỉ nhà Thúy để gửi giấy báo nhập học, thư mời.

Thúy cho biết, trong số gần 20 lá thư gửi về, có trên 10 trường đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, một số trường là dạy nghề. Thậm chí, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghệ cũng gửi thư mời cho Thúy.

Nhiều thí sinh khác đồng cảnh ngộ với Thúy, số điểm thi ba môn dưới trung bình vẫn được mời học. Em Nguyễn Thị Huyền, cũng ở Minh Quang (Ba Vì) cho biết: “Hôm đầu tiên nhận được giấy mời nhập học của một trường ở Hà Nội, em vui lắm. Nhưng cho đến giờ em cũng chưa biết sẽ học trường nào bởi em có tới trên 10 giấy triệu tập nhập học. Điều em lo lắng nhất hiện nay là chất lượng đào tạo tại các trường này liệu có đảm bảo”.

Kinh doanh học trò

Trong vai nhân viên kinh doanh, PV đã tiếp cận ông Vũ Thế Ngọc – Phó hiệu trưởng  Trường THDL Đông Nam Á (Hà Nội). Ông Ngọc đưa chúng tôi xem chiến lược “kinh doanh học trò”.

Suốt buổi trò chuyện, ông Ngọc không hề nói đến việc giáo dục học sinh ra sao mà chỉ tính toán sẽ tuyển được bao nhiêu học sinh và đặt ra các điều khoản để thu phí học sinh sao cho lợi nhuận đạt được ở mức cao nhất.

Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông giải thích: “Việc đầu tiên là phải mua danh sách các thí sinh bị trượt từ một số trường, sau đó liên kết với một đội ngũ chân rết in và gửi giấy nhập học đến các thí sinh bị trượt.

Một số trường kích thích hoạt động tuyển sinh bằng cách cho các đối tượng chân rết tự đưa ra mức phí, mỗi hồ sơ xét tuyển, thí sinh phải nộp thấp nhất từ 100 đến 200.000 đồng. Cứ tuyển được một thí sinh, các đối tượng chân rết được hưởng một nửa phí tuyển sinh và 200.000 đồng kinh phí của trường đó.

Ngoài ra các trường hoạt động theo mô hình dân lập, muốn đạt chỉ tiêu tuyển sinh phải chi phí tới hai phần ba tiền học phí hai tháng đầu của thí sinh, phí đó dành cho những trường thừa chỉ tiêu khi nhượng lại học sinh.

Đó là lý do vì sao mà có trường ở tận đẩu tận đâu cũng biết địa chỉ của Thúy, Huyền và nhiều thí sinh khác để gửi giấy mời nhập học. Điều băn khoăn, lo lắng của Huyền là có cơ sở bởi, trên thực tế, mấy năm gần đây trên địa bàn cả nước, các cơ sở giáo dục, trường dạy nghề mọc lên như nấm.

Ngoài những trường uy tín, tên tuổi, còn có nhiều trường, nhiều trung tâm đào tạo theo kiểu liên thông, liên kết, thậm chí thiếu phòng học, thiếu giáo viên, hoặc cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu và lạc hậu nên dẫn tới việc đào tạo ồ ạt không đảm bảo chất lượng.   

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Trần Duy, Email: ...tran18@yahoo.com.vn

Những điều được nêu trên chính là hệ quả tất yếu của việc thành lập hàng loạt trường đại học, của căn bệnh trầm kha "thích bằng cấp" thời nay. Thử hỏi đầu vào như thế, nơi đào tạo như thế, trình độ người dạy như thế và bao nhiêu thứ khác nữa thì sản phẩm đào tạo sẽ như thế nào đây?

Xin hỏi những sinh viên được đào tạo từ những ngôi trường như thế thì sẽ làm được gì cho dân, cho nước đây? Ai dám tin chắc rằng trong số họ sẽ có người rối sẽ trở thành "tiến sĩ" trong chiến lược 100% tiến sĩ ...

Lê Khắc Ngọ, Email: ...79@gmail.com

Huống gì học trò tôi thi ở Huế được 7 điểm mà lại có giấy báo của một trường dân lập ở Đà Nãng. Tôi đưa giấy và chúc mừng em thì em ngơ ngác rằng chắc thầy nhầm ai đó. Nhầm thế nào được? Họ tên của em, ngày tháng năm sinh của em, lại đúng địa chỉ trường và gia đình của em.

Nay đọc bài này tôi thấy ngán ngẩm cho cách kinh doanh của các cơ sở giáo dục mới lên. Thật không còn gì để nói, huống gì đến lúc HS ra trường bằng này bằng nọ nhưng trình đọ như nấm. Nước ngoài học đánh giá LĐ Việt Nam thấp thật không oan chút nào.

Bộ GD cần lên tiếng ngay, thậm chí xóa sổ các cơ sở kinh doanh học sinh này đi.

Tô Hoài Văn, Email: ...n64@yahoo.com

Tiếp thị học sinh - không có gì là xấu cả

Việc các thí sinh đăng kí dự thi đại học, thi vào một số trường nhưng không đỗ ... chắc chắn sẽ làm các em và gia đình rất buồn. Dựa trên có sở dữ liệu đó, các trường Trung cấp, cao đẳng và đại học còn dư chỗ có thể hạ thấp để tuyển các thí sinh là đánh đúng vào nhu cầu của các thí sinh: không đỗ trường mình thi vào nhưng có thể học được ở một trường khác.

Cũng không thể đánh đồng là tất cả các trường "tiếp thị thí sinh là kém chất lượng". Việc đánh giá kiểm tra chất lượng là một việc hoàn toàn khác, còn việc chủ động liên hệ với các thí sinh là một việc làm tốt giúp các thí sinh có nhiều sự lựa chọn.

Không phải em nào trượt đại học cũng có tiền để ngồi nhà học lại và đợi một năm sau thi lại .

Cuối cùng thì thị trường lao động sẽ quyết định sự tồn tại của những trường được cho là chất lượng chưa cao khi mà các em học xong không kiếm được việc làm hay chỉ kiếm được những việc "thấp cấp hơn" so với những trường khác.

Tôi cho rằng cần có sự liên kết tiếp thị nhiều hơn giữa các trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề tới các em học sinh năm cuối PTTH, để giới thiệu và hướng nghiệp cho các em tìm đến một nơi phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của bản thân.

Đinh Thế Dần, Email: ...danqt@gmail.com

Trường cứ mọc , thầy cứ dạy cho qua và trò cứ đi học cho có . Tốn không ít tiền đó là vấn đề nan giải của xã hôi chúng ta . Liệu biện pháp trên có thành công không - tôi nói là không . Lâu nay tôi thấy rất nhiêu sinh viên khi ra trường không những không có kiến thức mà lại không có việc làm , nhà trường cứ đào tạo cho qua ai ra trường mặc kệ .

Theo tôi nghĩ đây chỉ là đi học cho và có bằng đại học, cao đẳng.. cho oai thôi . Thế này thì làm sao sánh được với các nước tiên tiến trên thế giới.

Le Quoc Tu, Email: ...Tu@gmail.com

Họ đã "kinh doanh học sinh"

'Kinh doanh học sinh' hay như tôi thường hay bức xúc cằn nhằn là họ đang kinh doanh giáo dục. Chuyện các trường đại học, cao đẳng... đang làm như bài báo đã đưa tin không làm tôi bất ngờ vì nó đúng như những gì tôi nghĩ về nền giáo dục của chúng ta hiện nay. Những người mà trình độ chuyên môn và đạo đức bị hạn chế thì những thứ họ nghĩ ra mới thật kinh khủng và thật quá lạ lùng. Tôi là một giáo viên, tôi phải làm sao đây?

Nguyễn Văn Dũng, Email: n...dung@gmail.com

Đúng thôi!

Cho lập ra hàng trăm trường, mà hầu hết trong số đó danh sách cán bộ giảng dạy ảo, cơ sở vật chất không có gì, thì đương nhiên, đó là nhưng "chợ kinh doanh" học trò thôi. Hiện họ đang xứng xử theo lối " Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi"...

Việt Đức, Email: ...htung@hotmail.com

Minh chứng về sự yếu kém

Dư luận đã lên tiếng rất nhiều về việc Bộ GD-ĐT ồ ạt cho lập thêm các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề mà không có các giải pháp đồng bộ để đảm bảo quản lý tốt hoạt động và chất lượng đào tạo và NCKH của các trường này.

Do vậy, sự lỏng lẻo, bất cập trong quản lý của Bộ đã tạo kẽ hở cho không ít người tổ chức "kinh doanh" giáo dục theo kiểu như báo phản ánh. Trong khi những người này thì được hưởng "siêu lợi nhuận", còn Bộ GD-ĐT thì mang tiếng, đội ngũ thầy giáo thì bị tha hoá và mất lòng tin trong xã hội, học trò thì là nạn nhân trực tiếp cả đời, phụ huynh thì oằn lưng lao động trả tiền mua một loại hàng rởm vv...

Hậu quả là cả đất nước chịu thiệt thòi. Mong Bộ GD-ĐT sớm chấn chỉnh với những giải pháp mạnh, kịp thời, xứng với chức năng của Bộ.

Duy Thanh, Email: ...nd@hotmail.com

Rất nhất trí với ý kiến của bài viết! Các trường Dân lập được mọc lên như nấm trong vài năm qua là một thực tế khách quan! Họ đã quán triệt việc "xã hội hoá giáo dục' trong kế hoạch hoạt động và "kinh doanh" của họ!

Kết quả của "phong trào" này sẽ được thể hiện sau vài năm tới và khi đó sẽ không ai chịu trách nhiệm chính! Thân ái.

Trần Hùng, Email: ....229@yahoo.com

Đề nghị BGD xem xét lại những trường hợp bán thông tin cá nhân của các thí sinh thi trượt cho các trường “kinh doanh học trò” khi chưa được sự đồng ý của các thi sinh?

>> Tiếp tục cập nhật...

MỚI - NÓNG