Bi hài bài làm sĩ tử

Bi hài bài làm sĩ tử
TP - Trong số các bài làm của thí sinh tại các trường thi, có những thí sinh mang các tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long ra đặt ở Đồng bằng Sông Hồng; đổi giới tính cho nhà thơ Xuân Quỳnh...

Các thí sinh miêu tả nhân vật Mỵ giống như các cô gái tân thời ngày nay như: khêu gợi đeo nhẫn kim cương...; “buộc tội” nhà thơ Chế Lan Viên đã dùng con tàu đánh bắt hải sản, một phương tiện sinh sống của ngư dân để chở tâm hồn mình đi; làm sai những con toán đơn giản một cách ngớ ngẩn...

ĐHKH Tự nhiên (ĐHQG HN) chấm bài thi của 7 trường ĐH (môn Hoá học). Có những  trường số bài dưới trung bình tới hơn 50% mặc dù, như  giảng viên Trần Vũ Hùng  nhận xét: Đề thi Hoá học năm nay đòi hỏi kiến thức cơ bản,  không quá khó,  những thí sinh học tốt kiến thức cơ bản trên lớp đi thi đã có thể đạt được 6-7 điểm.

Ông Bùi Duy Cam, Phó Hiệu trưởng ĐHKH Tự nhiên cho biết:

Dự báo điểm chuẩn khoảng 20-22 điểm và trường này sẽ dành một số chỉ tiêu để tuyển nguyện vọng 2 cho một số ngành nhà trường không muốn lấy chất lượng thấp.

Đó là các ngành thuộc khối khoa học trái đất như: Địa lý, Địa chất, Hải dương học, Thổ Nhưỡng...

Theo thông tin bước đầu từ  một số trường thi ở khu vực Hà Nội, điểm chuẩn của một số trường ĐH sẽ không cao vút như năm trước.

Tuy nhiên, thí sinh lại mắc những lỗi không tưởng tượng nổi. Giáo viên chấm thi Vi Anh Tuấn kể: Bất cứ học sinh phổ thông nào cũng biết những kiến thức sơ đẳng như axit đổi quỳ tím sang màu đỏ, bazơ đổi quỳ tím sang màu xanh, nhưng thí sinh đã thả sức sáng tác sự biến đổi của quỳ tím thành các màu ngược nhau hoặc sang các màu khác như vàng,  nâu, trắng, tím đủ cả;  hoặc cho rằng quỳ tím là thuốc tím...

Có những thí sinh không xác định được cả hoá trị của một số nguyên tố cơ bản được học  ngay từ lớp 8.

Có những thí sinh nộp bài bỏ trắng; có những thí sinh chép đi chép lại đề thi nhiều lần (dài tới 4 trang giấy); có những thí sinh viết lung tung mơ hồ,  đang chép các công thức không liên quan đến bài thi (có lẽ là tất cả những gì về Hoá học mà thí sinh này nhớ được) lại viết một đoạn rất “tỉnh” (có lẽ là do copy được) rồi lại viết tiếp những điều mơ mơ hồ hồ...  

Lỗi nhiều nhất, đáng tiếc nhất là thí sinh tính toán sai, ngay cả những phép tính đơn giản. Thậm chí, có thí sinh còn làm phép cộng 7+8=17 và dùng kết quả đó “chạy” luôn đến cuối bài tính, đương nhiên cho đáp số sai.

Ở môn thi Vật lý tình hình cũng không khá hơn. Nhận xét chung là điểm thi môn Vật lý năm nay thấp hơn năm trước,  không xuất hiện  những cơn mưa điểm 10  Vật lý, Hoá học như mọi năm.

Để giấy trắng, viết lung tung, không hiểu gì kiến thức cơ bản... Các thày phải ngồi đọc kỹ, đãi cát tìm vàng để cho thí sinh vớt vát từng 0,25 điểm...

Vì sao có những bài thi kém?

Lý giải hiện tượng này, có nhiều ý kiến khác nhau. Phó Hiệu trưởng ĐHKH Tự nhiên Bùi Duy Cam đặt câu hỏi: Không hiểu vì sao chương trình của ta không nặng mà học sinh của  ta vẫn cứ bị quá tải. Giảng viên  Trần Vũ Hùng cho rằng quá trình giảng dạy ở phổ thông chưa đáp ứng được  yêu cầu của thực tế.

PGS thí sinh Lưu Văn Bôi, Chủ nhiệm khoa Hoá, Trưởng môn chấm  thi môn Hóa (ĐHKH Tự Nhiên) cho rằng những thí sinh như thế là liều thi, thi cầu may hoặc chỉ đi thi cho vừa lòng bố mẹ chứ  trong đầu không có chữ gì...

Tiếc thay, số thí sinh như trên thường chiếm tới hơn 50% đa số các trường thi!

Giải pháp nào?

Nên chăng có một dạng kiểm tra nào đó để thí sinh tự kiểm tra kiến thức trước khi quyết định đi thi hay không. Đó là ý kiến của thí sinh Bạch Thành Công.

Hay nên tuyển và đào tạo theo hình chóp: đầu vào thật mở, lấy gấp đôi chỉ tiêu, sau đó thải loại dần, như thày Hiệu phó Bùi Duy Cam gợi ý (số bị thải loại sẽ tiếp tục ra học nghề làm thợ)...? Hay phải thay đổi nhận thức của cha mẹ, thí sinh và toàn xã hội về tư tưởng thày - thợ như dư luận đã từng đề cập?

Để khoảng 50 % thí sinh đi thi với chất lượng bài vở như trên quả là một sự lãng phí và căng thẳng không cần thiết. Đây là bài toán mà ngành GD-ĐT cần nghiên cứu nghiêm túc để giải quyết vấn đề. 

MỚI - NÓNG