Bí quyết ôn thi của các thủ khoa 30 điểm

Bí quyết ôn thi của các thủ khoa 30 điểm
TPO - Lê Thị Ngọc Anh, Nguyễn Đăng Chuẩn và Nguyễn Đức Học là những thủ khoa 30 điểm của Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa, Học viên Tài chính trong kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2007. Họ chia sẻ bí quyết để học và thi tốt. 
Bí quyết ôn thi của các thủ khoa 30 điểm ảnh 1
Từ trái qua: Bạn Nguyễn Đăng Chuẩn, Lê Thị Ngọc Anh và Nguyễn Đức Học tại buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Tiền phong Online.

Sau khi đỗ thủ khoa các trường đại học (trong đó Lê Thị Ngọc Anh đỗ thủ khoa Đại học Ngoại thương với 30 điểm (khối A) và Đại học Nông nghiệp I với 29,5 (khối B)), các thủ khoa đỗ điểm tuyệt đối đã giao lưu trực tuyến với bạn đọc trên Tiền phong Online.

Họ khẳng định, để đạt được kết quả thi tốt cần tự học với niềm đam mê, không học vẹt, học tủ…

Tự học

Lê Thị Ngọc Anh - Thủ khoa 30 điểm của Đại học Ngoại thương và 29,5 điểm Đại học Nông nghiệp: Phần lớn thời gian mình tự học. Trước tiên, mình luôn làm hết bài tập trong sách giáo khoa, rồi "giải quyết" các vấn đề trong sách nâng cao.

Mình cũng có đi học thêm các môn Toán, Lý, Hóa nhưng chủ yếu vẫn là tự học ở nhà. Mình có thói quen học phần nào chắc phần đó, như vậy sẽ giúp nhớ lâu hơn.

Thời gian biểu học tập của mình là: Buổi sáng học trên lớp. Buổi chiều, nếu không phải học thêm thì tự học ở nhà. Buổi tối, mình tự học từ 20 giờ đến 23 giờ30. Tối thứ Bảy, Chủ nhật, mình học ít hơn ngày thường.

Thời gian học buổi tối, sau khi đọc kỹ và làm bài trong sách giáo khoa và bài tập thầy, cô giáo giao, mình thử sức với những đề thi đại học năm trước. Nếu buồn ngủ, mình nghe nhạc thư giãn hoặc uống cốc nước cho tỉnh.

Minh không bao giờ tự gây áp lực cho bản thân trong quá trình ôn thi. Quan trọng là phương pháp học và sự nỗ lực, cố gắng.

Mình nghĩ, có nhiều yếu tố giúp thành công trong học tập. Đầu tiên, mình xác định rõ mục đích học tập là gì, từ đó luôn cố gắng để đạt được mục đích đó. Mục đích học tập của mình là nhằm nâng cao hiểu biết, đỗ đại học và sau đó trở thành người có ích

Nguyễn Đăng Chuẩn – Thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội: Nếu học chính buổi sáng thì khoảng 12 giờ 30, mình về đến nhà. Sau bữa ăn và nghỉ trưa, từ 14 - 17 giờ, mình học buổi chiều và sau đó làm việc gia đình. Từ 19 đến 24 giờ, mình tiếp tục học.

Ngoài thời gian học chính khóa ở trường, mình đi học thêm các thầy cô giáo dạy ở lớp (2 buổi/tuần). Mình chỉ học thêm môn Toán và Hóa (2 tiếng/buổi).

Ở mỗi bài học, mình cố gắng tìm ra nội dung trọng tâm, làm các câu hỏi và bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập để nắm vững kiến thức. Sau đó, mình sưu tầm, đọc thêm sách tham khảo, sách nâng cao để hiểu sâu và nắm chắc hơn các kiến thức này. Những điều thấy hay và khó nhớ, mình thường ghi chép lại.

Không học vẹt

Nguyễn Đức Học – Thủ khoa Học viện Tài chính: Mình dành thời gian để học thực chất chứ không học vẹt. Ở lớp, mình tập trung nghe giảng và cố gắng tiếp thu lý thuyết ngay. Khi về nhà, mình áp dụng lý thuyết vào làm bài tập trong sách giáo khoa và sách tham khảo luôn để không quên, sót kiến thức.

Với bài tập, mình làm đi làm lại nhiều lần. Lần 1, mình giải theo cách thông thường. Đến lần 2, lần 3, lần 4, mình sẽ tự lật ngược vấn đề, tự đặt ra những câu hỏi khó, đặt ra những tình huống khác nhau để nắm sâu thêm.

Mình thường mượn sách tham khảo ở thư viện hoặc để dành tiền mua sách tham khảo. Ở nhà, mình dành 2 tiếng để tìm hiểu bài tập trong những cuốn sách tham khảo.

Những điều chưa hiểu, mình đến lớp tranh thủ hỏi thêm thầy cô giáo và bạn bè.

Mình nghĩ, muốn học giỏi phải thật sự đam mê, tập trung vào công việc và quan trọng phải tự học là chính. Ngoài ra, "học phải đi đôi với chơi", như thế tinh thần mới thỏai mái để tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.

Linh Linh
Tổng hợp

MỚI - NÓNG