Bí quyết thi tốt khối C

Bí quyết thi tốt khối C
TPO - Với số điểm đầu vào khá ấn tượng: 25,5 điểm, Mai Hương - thủ khoa khối C năm 2007 của trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc Gia Hà Nội “bật mí” một số bí quyết ôn thi đại học.
Bí quyết thi tốt khối C ảnh 1

Bạn Mai Hương. Ảnh: Nguyễn Tuấn. 

Môn học nào cũng thế, muốn học tốt, bạn phải có đam mê. Với khối C, điều này lại càng cần thiết, bởi những môn học này có khối lượng kiến thức khá lớn, số lượng các sự kiện, số liệu dày đặc.

Chính vì thế, bạn không thể đọc qua một lần mà có thể nhớ lâu và chính xác. Nó đòi hỏi một quá trình ôn luyện miệt mài, vất vả.

Với môn Sử, tôi thường phân chia theo từng giai đoạn, ví dụ: Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đến nửa đầu những năm 1920; giai đoạn nửa sau những năm 1920 đến đầu những năm 1930; từ 1930 – 1945…

Mỗi giai đoạn nên học kỹ “nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm, rồi xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau.

Bạn nên viết thành các dạng đề thi khác nhau từ một sự kiện, trả lời theo các ý nhỏ. Khi vào phòng thi, bạn sẽ không bị “choáng” trước các câu hỏi hóc búa!

Khi học môn Địa, tôi chia ra thành các vấn đề, chuyên đề, lập thành các sơ đồ cho dễ học. Chẳng hạn, vấn đề một: Các nguồn lực để phát triển Kinh tế - Xã hội, gồm có: nguồn lực Tự nhiên và nguồn lực Xã hội, trong nguồn lực Tự nhiên có nguồn lực Vị trí địa lý và Tài nguyên thiên nhiên…

Vấn đề hai: Những vấn đề phát triển xã hội. Vấn đề ba: Những vấn đề phát triển kinh tế...

Trong mỗi vấn đề có các chuyên đề cụ thể. Bạn nên nắm vững các đặc điểm, cơ sở, hiện trạng, nguyên nhân, vai trò, tác động và hướng giải quyết thích hợp, khi làm bài thì tuỳ theo yêu cầu đề ra mà vận dụng kiến thức thích hợp!

Phần bài tập cũng rất quan trọng, bạn cần phải nắm vững các quy tắc xác định biểu đồ, cách vẽ và trình bày chính xác, sạch, đẹp mắt để đạt điểm cao.

Còn môn Văn, cần nắm vững phần về các tác giả lớn, đọc kỹ tác phẩm, các chi tiết về ngoại hình, nội tâm, cử chỉ, hành động… liên quan đến nhân vật. Bạn nên lập dàn ý đại cương, chi tiết.

Nên vận dụng các kiến thức đã học để có nhiều cách mở bài hay, triển khai thành từng đoạn trôi chảy, mạch lạc, tránh lặp câu, từ….

Bạn không nên học thâu đêm suốt sáng vì rất có hại cho sức khoẻ, trong khi chưa chắc hiệu quả. Những lúc căng thẳng, tôi thường nghe nhạc, thỉnh thoảng chơi thể thao. 

Khi làm bài, bạn nên chú ý trình bày sáng sủa, trôi chảy, mạch lạc. Bạn nên căn thời gian làm bài cho hợp lý, giành ít phút đầu để đọc kỹ đề, vạch dàn ý rồi làm bài.

Với một quá trình học chăm chỉ, có phương pháp khoa học, cộng với niềm đam mê, bạn sẽ "vào trận" đầy tự tin.

Nguyễn Tuấn
(thực hiện)

MỚI - NÓNG