Bỏ điểm thưởng: Không thể chỉ là chính sách!

Bỏ điểm thưởng: Không thể chỉ là chính sách!
Thật là kinh hoàng khi những cô tú cậu tú đạt điểm thưởng học sinh giỏi nhưng khi thi đại học lại có tổng điểm 3 môn dưới 3 điểm. Chủ nghĩa thành tích thật tệ hại!

Trước phản ứng gay gắt của dư luận, Bộ GD - ĐT đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu về điểm thưởng do PGS. TS Phan Văn Kha, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chương trình giáo dục, làm Tổ trưởng để đánh giá đúng thực chất HS giỏi được thưởng điểm trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.

Tổ công tác đã phân tích các dữ liệu được thu thập trong 3 năm trở lại đây; kết quả học tập của HS giỏi được thưởng điểm từ khi tốt nghiệp THPT đến khi thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ; kết quả học tập trong các trường ĐH, CĐ...

Kết quả thật “kinh hoàng”: Mùa tuyển sinh năm 2005, có tới 20/64 tỉnh, thành có hơn 20% TS được thưởng điểm nhưng tổng điểm thi ĐH, CĐ (3 môn) đạt thấp hơn hoặc bằng 15 điểm. Ở những tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng, tỉ lệ này còn lên tới trên 40%.

Thậm chí, không ít HS giỏi được thưởng điểm song kết quả thi ĐH lại rất kém: có 91 TS có tổng điểm thi 3 môn dưới 3 điểm; 117 TS có tổng điểm thi 3 môn dưới 5 điểm; 1.289 TS có tổng điểm thi 3 môn dưới 10 điểm và 3.795 TS có tổng điểm thi 3 môn dưới 15 điểm.

Nghịch lý hơn nữa, năm 2005, có tới 81 TS diện được cộng điểm thưởng có từ 1 - 3 môn điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, trong đó có 74 TS có một môn thi đạt điểm 0; 4 TS có 2 môn thi đạt điểm 0 và 3 TS cả 3 môn thi đạt điểm 0.

Tại một số trường THPT chuyên có số HS không nhỏ trong diện thưởng điểm nhưng kết quả thi ĐH, CĐ cũng không cao.

Một số đông SV từng được cộng điểm thưởng trong các kỳ tuyển sinh chỉ có kết quả bình thường hoặc kém khi học ĐH: ĐH Thủy lợi, 26/29 SV được cộng điểm năm 2004, phải học lại, thi lại; ĐH Lâm nghiệp có 11/24 SV diện điểm thưởng phải thi lại nhiều môn học.

Khóa 43, Trường ĐH Giao thông vận tải cũng có 8 SV diện này bị buộc thôi học, 7 người khác bị tạm đình chỉ học...

Điều này có ý nghĩa ra sao, nếu chúng ta biết, năm 2003, toàn quốc có 13.332 HS được cộng điểm thưởng. Năm 2004, con số này là 20.624 và đến năm 2005 có 29.556 HS tốt nghiệp THPT loại giỏi (tăng hơn gấp đôi sau 2 năm).

Ba địa phương phát triển nhất là Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng cũng đồng thời là 3 địa phương có tốc độ phát triển HS giỏi cao nhất. Chỉ trong 2 năm, số lượng HS giỏi của các địa phương này tăng 2-3 lần.

Cụ thể, tại TP. HCM, năm 2003 chỉ có khoảng 1.000 HS tốt nghiệp loại giỏi thì đến năm 2005 con số này lên tới hơn 2.800. Còn Hà Nội, con số tương tự là 1.312 và 2.747...

Thay đổi chính sách thôi, chưa đủ!

Trả lời báo chí, PGS. TS Phan Văn Kha cho rằng có nhiều cách giải thích cho nghịch lý “tú tài giấy”: Thiếu hệ thống quản lý chất lượng giáo dục thống nhất trong toàn quốc. Khâu đánh giá kết quả học tập của HS THPT và cách tính điểm thưởng chưa được thực hiện thống nhất giữa các địa phương. Hệ thống công cụ đánh giá kết quả học tập của chúng ta còn lạc hậu...

Tuy nhiên, ông Kha nhấn mạnh: Bệnh thành tích mới là căn nguyên quan trọng của vấn đề này.

Chính vì áp lực thành tích nên việc đánh giá học tập bậc THPT tại một số cơ sở giáo dục chưa thực sự nghiêm túc, còn có những tiêu cực trong đánh giá và công nhận HS giỏi ở phổ thông.

Một số nơi còn cố tình “nèo” thêm điểm ưu tiên, điểm thi tay nghề vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để nâng số HS được thưởng điểm...

Rõ ràng, kết quả tốt nghiệp THPT đâu đủ mức độ tin cậy để làm căn cứ tính điểm thưởng?

Chính vì lẽ đó, tại Hội nghị thi và tuyển sinh 2006 vừa qua, đa số đại biểu đại diện các trường và các sở GD - ĐT đều đồng ý với đề xuất bỏ điểm thưởng với HS tốt nghiệp THPT loại giỏi, ngay từ năm nay. Chủ trương này đã được Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển chính thức kết luận.

Như vậy, bất công bằng (mà hiểu một cách bản chất hơn là phi trung thực) liên quan đến chính sách về điểm thưởng, từ nay không còn nữa. Điều chỉnh Quy chế Tuyển sinh cũng chẳng có gì phức tạp.

Chỉ còn một câu hỏi được đặt ra: Ai sẽ gánh chịu trách nhiệm trong việc này khi người trả giá không phải là các HS giỏi (thiệt đi một quyền lợi), mà chính là nền giáo dục của chúng ta?

Tại Hội nghị Tuyển sinh “online” vừa qua, người đứng đầu ngành GD - ĐT đã khẳng định: Thanh tra Giáo dục sẽ tiến hành kiểm tra gắt gao, cương quyết xử lý nghiêm các địa phương có thành tích ảo. Đây có thể xem như câu trả lời được chưa?

Theo Kiều Hải
SVVN

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.