Bộ GD&ĐT trả lời nhiều vấn đề “nóng” của tuyển sinh 2015

Bộ GD&ĐT trả lời nhiều vấn đề “nóng” của tuyển sinh 2015
TPO - Hàng trăm câu hỏi về quy chế tuyển sinh, đề thi, cụm thi cho một kì thi quốc gia đã được các lãnh đạo  Bộ GD&ĐT, chuyên gia uy tín trả lời khi giao lưu trực tuyến với độc giả báo điện tử VTC News.

Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng cho rằng, quy chế tuyển sinh 2015 hiện nay bên Cục khảo thí đang khẩn trương xây dựng và trình lãnh đạo Bộ ban hành, dự kiến vào đầu năm 2015.

“Về thông tin tuyển sinh, sẽ được các trường công bố công khai trên trang tin điện tử của trường, đồng thời các trường cũng sẽ báo cáo thông tin tuyển sinh về Bộ. Khi có đầy đủ thông tin, Bộ sẽ công bố công khai trên trang web của Bộ” - Ông Nghĩa cho biết.

“Nóng” cụm thi

Nhiều độc giả đặt câu hỏi: “Nếu học sinh học trung bình – yếu lúc đầu chỉ nghĩ thi để đậu tốt nghiệp nên thi ở cụm trường phổ thông. Đến khi điểm cao, không có cơ hội để đăng ký vào trường CĐ, ĐH nữa, coi như cánh cổng đại học năm đó bị khép lại, phải chờ năm sau mới thi tiếp được?

Ông Trần Văn Kiên - Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng giải thích, những thí sinh tại các cụm thi địa phương chỉ thi bốn môn tối thiểu để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vẫn có thể được xét tuyển vào ĐH, CĐ phụ thuộc vào quy định của các trường ĐH, CĐ; các trường ĐH, CĐ được quyền tuyển sinh riêng theo đề án tuyển sinh của trường không sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh.

Vì vậy, các em cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để tham gia tuyển sinh vào những trường này, phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện gia đình; nên cân nhắc thật kỹ trước khi đăng ký tham dự kỳ thi để phù hợp với nguyện vọng và năng lực cá nhân.

Ông Kiên cũng cho rằng, đây là một kỳ thi quốc gia với tên gọi là kỳ thi THPT quốc gia, cho nên chỉ có một loại đề thi đối với tất cả các đối tượng thí sinh. Trong kỳ thi này, việc tổ chức thi thành các cụm thi tương tự như các cụm thi của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 và có mở rộng hơn; các cụm thi này do các trường ĐH, CĐ đủ năng lực chủ trì.

Ngoài ra, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT không lấy kết quả thi tham giả tuyển sinh ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD –ĐT chủ trì.

 “Thứ nhất, các thí sinh thi ở các cụm thi khác nhau có các mã khác nhau, hoàn toàn có thể phân biệt được thí sinh thi ở cụm thi nào.

Thứ hai, trong kỳ thi quốc gia chủ yếu sẽ là tổ chức thi ở các cụm do trường đại học chủ trì, việc tổ chức thi ở các cụm địa phương chỉ thực hiện khi có những học sinh ở địa phương không có nguyện vọng sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để xét tuyển vào các trường đại học, và tự nguyện đăng ký thi ở cụm địa phương.

Thực tế trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2014 có khoảng gần 20% số học sinh chỉ thi tốt nghiệp. Và như vậy, việc không sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào trường đại học là do thí sinh tự nguyện”- Ông Nghĩa giải thích thêm.

Chỉ có lợi cho học sinh khối D?

Trước nhiều thắc mắc của thí sinh cho rằng, những thay đổi này chỉ có lợi cho học sinh khối D?, Thầy Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, đổi mới này dựa vào yêu cầu cơ bản.

Toán, Văn, Anh là 3 môn cần thiết không chỉ trong nhà trường mà còn được áp dụng triệt để ngoài cuộc sống. Học khối C tức là thêm môn xã hội thôi, không nên lo lắng. Cần tập trung vào học, cần thay đổi cách học, không nên học thuộc lòng, không học máy móc.

Còn cô Phạm Thị Thu Phương - Giáo viên Văn trường THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Đại học Sư Phạm Hà Nội đưa ra quan điểm: “Tất nhiên học sinh khối D sẽ có lợi hơn nhưng học sinh khối C cũng không hẳn bất lợi. Bởi các em sẽ bắt buộc thi môn Văn và đăng kí thêm 1 môn tự chọn là Sử hoặc Địa và chỉ còn lại 1 môn phải thi thêm. Nền tảng toán, anh sẽ giúp ích cho các cháu sau này”.

Sau khi thi THPT quốc gia các trường có thể dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển. Xin Bộ giáo dục cho về chất lượng đầu vào của thí sinh Bộ có giám sát hoặc đưa ra “mức sàn” không hay hoàn toàn do trường tự quyết? Bạn đọc đặt câu hỏi.

Ông Trần Văn Nghĩa cho rằng, cũng như kỳ thi “3 chung” trước kia, đối với kỳ thi THPT quốc gia, để đảm bảo chất lượng đầu vào, sau khi có kết quả thi, Bộ cũng sẽ đưa ra ngưỡng chất lượng .

“Quy định về công tác xét tuyển sẽ được đưa vào Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Về nguyên tắc, quy trình xét tuyển phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh (cố gắng đảm bảo những học sinh có kết quả cao sẽ không bị trượt), đồng thời đảm bảo để các trường không gặp quá nhiều khó khăn trong công tác xét tuyển. Và Bộ sẽ nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin trong công tác xét tuyển để giảm khó khăn cho trường cũng như học sinh”- Ông Nghĩa nói.

Các trường đại học được tự chủ tuyển sinh

Trước băn khoăn về thi đại học năm 2015, ông Trần Văn Nghĩa cho rằng, về tổ chức thi, nếu em có nguyện vọng sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, em phải đăng ký dự thi ở một cụm thi do trường đại học chủ trì (tại trường đại học đó).

Các trường đại học sẽ công bố phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia (công bố môn thi sử dụng để xét tuyển vào từng ngành). Nếu một trường đại học những năm trước tuyển sinh khối A thì năm nay bên cạnh việc có thể sử dụng các tổ hợp môn khác để xét tuyển, trường vẫn phải sử dụng tổ hợp ba môn là toán, lý, hóa để xét tuyển.

Cũng theo ông Nghĩa, các trường hoàn toàn có quyền tự chủ trong tuyển sinh, tuy nhiên, để thực hiện tự chủ tuyển sinh thì các trường cần phải xây đựng đề án tự chủ tuyển sinh, và trong đề án phải chứng minh được năng lực thực hiện phương án mà mình đề ra.

“ Những trường không sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để xét tuyển thì cần phải xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh, đáp ứng các yêu cầu được quy định trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy.

Một trong những yêu cầu đặt ra là không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo của nhà trường tổ chức luyện thi”- Ông Nghĩa cho biết thêm.

Đề thi chủ yếu lớp 12

Ông Trần Văn Nghĩa- Phó Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng cho biết,  đề thi của kỳ thi quốc gia sẽ bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Cấu trúc đề thi sẽ gần tương tự đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014.

Các học sinh tốt nghiệp năm 2013, 2014 nếu có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành yêu cầu kết quả thi môn toán, vật lý, hóa học thì các em chỉ cần đăng ký thi 3 môn là toán, vật lý, hóa học.

MỚI - NÓNG