Bộ Giáo dục cần hơn 460 tỷ đồng đổi mới sách giáo khoa

Bộ Giáo dục cần hơn 460 tỷ đồng đổi mới sách giáo khoa
TPO - Trong tổng số dự toán kinh phí 462 tỷ đồng đổi mới chương trình sách giáo khoa mà Bộ Giáo dục đề xuất, thì chi phí biên soạn một bộ sách giáo khoa gần 322 tỷ đồng.

Ngày 20/10, trình bày Tờ trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK), thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết: Tổng kinh phí dự kiến là 462 tỷ đồng.

Cụ thể, kinh phí từ ngân sách trung ương thực hiện các nhiệm vụ: Tập huấn cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa (bao gồm cả lực lượng biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân đăng ký biên soạn sách giáo khoa): 13,1 tỷ đồng; Xây dựng, thẩm định chương trình: 55,2 tỷ đồng; Biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới: 6,1 tỷ đồng; Thẩm định sách giáo khoa (dự kiến 04 bộ): 46,3 tỷ đồng; Nghiên cứu mô hình sách giáo khoa điện tử để từng bước biên soạn, thực nghiệm và sử dụng ở những nơi có đủ điều kiện: 10 tỷ đồng; Đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện chương trình: 7,7 tỷ đồng.


Chi phí biên soạn một bộ sách giáo khoa: 321,6 tỷ đồng, bao gồm: Biên soạn bộ đề cương sách giáo khoa (tổ chức trại viết, thù lao tác giả, thực nghiệm, trưng cầu ý kiến, thẩm định; tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, phê duyệt): 34 tỷ đồng. Biên soạn 1 bộ sách giáo khoa (tổ chức trại viết, thù lao tác giả, thực nghiệm, trưng cầu ý kiến, thẩm định; tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, biên tập, thẩm định, phê duyệt): 287,6 tỷ đồng.

Biên soạn tài liệu phục vụ tập huấn giáo viên và tổ chức tập huấn cho đội ngũ cốt cán cấp tỉnh về quy trình, kỹ thuật tập huấn qua Internet: 2,0 tỷ đồng. Tổng kinh phí dự kiến: 462 tỷ đồng. 

Chính phủ cũng cho biết, ngoài phần kinh phí trên, nguồn tài chính từ các cá nhân và tổ chức khác để thực hiện các nội dung sau: Biên soạn các sách giáo khoa khác (ngoài bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn). Bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cơ sở giáo dục phổ thông về sách giáo khoa do cá nhân, tổ chức biên soạn và được phát hành...

Theo lộ trình, từ năm học 2018 - 2019, triển khai áp dụng chương trình mới; tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục biên soạn, thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa; tiếp tục tuyên truyền về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đánh giá, điều chỉnh, ban hành văn bản chương trình mới.

Cơ quan Thẩm tra - Ủy ban VHGDTNTN và NĐ của QH đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm phần khái toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của các địa phương để có khái toán tổng thể kinh phí chi cho Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

MỚI - NÓNG