Bỏ học nhiều, học sinh là nạn nhân

Bỏ học nhiều, học sinh là nạn nhân
Theo Tiến sĩ Mai Ngọc Luông - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học - Tâm lý TP Hồ Chí Minh: Do không nắm được kiến thức cơ bản, càng lên lớp cao, các em càng đuối sức nên chán nản, bỏ học.

>> HS bỏ học, trách nhiệm cụ thể là của địa phương

Bỏ học nhiều, học sinh là nạn nhân ảnh 1

TS Mai Ngọc Luông. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Ông Luông nói: học sinh bỏ học nhiều vì chính bản thân, cũng như gia đình các em nhận thức rằng: đi học không giúp ích được gì cho cuộc sống của mình.

Chương trình bậc phổ thông hiện nay thiên về tính hàn lâm, lý thuyết suông và 2/3 kiến thức trong sách giáo khoa thuộc dạng kiến thức vô bổ. Thế nhưng, học sinh (HS) vẫn phải học để đối phó với các kỳ thi. Vì vậy, sau khi thi xong là các em quên hết, chữ thầy trả lại thầy, kiến thức không biến thành kỹ năng sống, không mang lại lợi ích cho người học.

Ai cũng biết chương trình bậc phổ thông hiện nay quá nặng, quá ôm đồm, cái gì người ta cũng muốn đưa vào. Ngay từ những năm đầu của thời cắp sách đến trường, các em đã không theo kịp chương trình nhưng người ta vẫn cho các em lên lớp đều đều.

Kiến thức cơ bản đã không nắm được, càng lên lớp cao, các em càng đuối sức, không thể tiếp thu kiến thức mới nên chán nản, bỏ học. Trong chuyện này, nạn nhân chính là HS.

Có ai tự hỏi tại sao HS của chúng ta hiện nay không có động cơ học tập không? Vì có ai dạy và định hướng cho các em đâu. Nếu thử làm một cuộc khảo sát xem HS đi học để làm gì, tôi đoán hầu hết các em sẽ trả lời "học để thi vào đại học" chứ ít em biết trả lời "học để biết, để làm".

Thêm một nguyên nhân sâu xa nữa của tình trạng bỏ học hàng loạt là giáo dục ở vùng khó khăn (vùng núi, vùng sâu, vùng xa) chưa được Nhà nước quan tâm và đầu tư đúng mức.

Cứ thử vẽ lên một bức tranh về giáo dục ở vùng khó khăn mà xem: trường lớp xập xệ, tạm bợ, xuống cấp, thiếu trang thiết bị dạy học; HS thì quá nghèo, cơm ăn không đủ no, áo không đủ mặc, sau giờ học phải đi làm kiếm sống; đường đi học thì quá gian nan. Bên cạnh đó, đời sống giáo viên cũng rất khó khăn.

Hậu quả của việc HS bỏ học rất tệ hại mà chúng ta không thể lường hết được. Nó sẽ tác động xấu đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước nói chung và địa phương có HS bỏ học nói riêng. Thậm chí, ở những địa phương này còn bị khủng hoảng gọi là khủng hoảng cộng đồng. Vì một số lượng lớn thanh niên của địa phương không có tri thức, kéo theo không có nghề nghiệp, không có thu nhập, cuộc sống nghèo khó.

Không có tri thức rất dễ sinh nhiều con, ảnh hưởng của sự gia tăng dân số. Còn sự nghèo khó rất dễ dẫn người ta đến con đường phạm tội, làm ăn phi pháp.

Các cấp quản lý cần thực hiện những giải pháp căn cơ, lâu dài chứ không phải chỉ đưa ra vài biện pháp tình thế rồi đâu lại vào đấy. Trước hết, cần phải xác định triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục cho từng cấp học ở từng giai đoạn. Không thể để HS miền núi học các bài giống như HS ở quận 1, TP.HCM được.

Chương trình "cứng" chỉ cần 30 - 70%, còn lại hãy để các địa phương chủ động dạy cho HS những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để đáp ứng thực tiễn sinh hoạt, cuộc sống ở vùng, miền đó.

Việc này cần làm ngay nếu như chúng ta không muốn đào tạo nên những con người chỉ biết lý thuyết suông, không thích ứng được với sự phát triển của xã hội.

Theo Hoàng Hương
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG