Bổ nhiệm giáo sư: Việt Nam nên theo chuẩn quốc tế

TP - Nếu giáo sư do các trường bổ nhiệm, thì khi ra khỏi trường, họ sẽ không còn là giáo sư. Giáo sư lúc đó chỉ đơn thuần là vị trí công việc. Khi các trường đại học (ĐH) của Việt Nam tự chủ hoàn toàn thì việc trả lương cho giáo sư sẽ do họ tự quyết định.

Đó là chia sẻ của Giáo sư Trương Nguyện Thành, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen, với PV Tiền Phong trước quan điểm nên giao quyền bổ nhiệm giáo sư cho các trường ĐH. Giáo sư Trương Nguyện Thành nói:

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 12/11/2016 trong bài phát biểu của tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có nêu tự chủ ĐH chính là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục, yếu tố quan trọng để đổi mới quản trị trường ĐH. Trên tinh thần ấy, quyền bổ nhiệm các cấp bậc giáo sư là một trong những quyền căn bản nhất trong quản trị ĐH vì nó cần phải phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của từng trường. Giáo sư ĐH Harvard khác xa với giáo sư một ĐH cộng đồng. Từ giáo sư lấy từ chữ giáo dục và chữ sư có nghĩa là thầy. Giáo sư có nghĩa là thầy dạy học. Các cấp bậc giáo sư nói lên mức độ kinh nghiệm dạy học như về giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Một giáo sư không còn làm việc trong ĐH thì vị trí giáo sư không còn nữa.

Khi Việt Nam thúc đẩy toàn cầu hóa thì việc bổ nhiệm giáo sư cũng nên theo chuẩn quốc tế. Như hiện tại các ĐH ở Việt Nam đang thúc đẩy toàn cầu hóa bằng cách mời giáo sư từ nước ngoài, nhất là từ các nước trong khu vực Đông Nam Á. Ví dụ, một giáo sư từ Thái Lan hay Malaysia muốn dạy ở Việt Nam nhưng không đạt chuẩn giáo sư của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước thì có được gọi là giáo sư không? Và ngược lại, giáo sư từ các trường ĐH ở Việt Nam mà không đủ chuẩn quốc tế (số lượng bài báo quốc tế) thì chắc chắn sẽ không được bổ nhiệm vào vị trí giáo sư tại các trường ĐH ở nước ngoài. Vậy thì trong trường hợp đó nên thế nào? Thương hiệu giáo sư Việt Nam lúc ấy như thế nào? Nếu để cho ĐH quyền tự chủ bổ nhiệm giáo sư thì Chính phủ không phải lo lắng về danh dự quốc gia trong vấn đề này. Những khó khăn trên còn chưa nói đến mỗi ngành có cách đánh giá khả năng và thành quả nghiên cứu khác nhau. Ví dụ, khoa học tự nhiên thì thường công bố thành quả nghiên cứu qua các bài báo quốc tế ISI hay SCOPUS, trong khi kỹ thuật thì không thế mà thường là bằng phát minh hay bài tóm tắt cho hội nghị. Vậy thì Hội đồng làm sao đánh giá khách quan và liệu có đủ kiến thức chuyên môn cần thiết để đánh giá tầm quan trọng của nghiên cứu.

Nhưng có người cho rằng các giáo sư của Việt Nam đang được trả ở một thang bảng lương chung. Nếu để các trường tự bổ nhiệm giáo sư thì sẽ không công bằng giữa các trường. Ông thấy ý kiến này thế nào?

Đó là nền kinh tế thị trường. Giáo sư ĐH Harvard lương thường 300.000 USD/năm trở lên và giáo sư ĐH cộng đồng thường dưới 50.000 USD/năm. Việc bổ nhiệm là do trường và là thương hiệu của trường. Giáo sư của trường A không tương đương với giáo sư trường B và lương khác nhau.

Nhưng Việt Nam chưa làm được điều đó đối với các trường ĐH công lập, thưa ông?

Khi Chính phủ đẩy mạnh tự chủ tài chính cho ĐH thì việc họ sử dụng tiền như thế nào cũng trong quyền này của họ. Có nghĩa là trường công cũng có thể trả lương GS tùy khả năng tài chính của họ.

Tức là khi được giao quyền tự chủ hoàn toàn, sẽ không còn Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước?

Khi đã giao quyền tự chủ cho ĐH thì hội đồng ấy không cần thiết nữa. Việc các trường tự bổ nhiệm giáo sư sẽ giống như bổ nhiệm vị trí việc làm. Hình ảnh giáo sư sẽ không “lung linh” như bây giờ. Chỉ đơn giản đó là vị trí công việc như tôi có nói ở trên. Giáo sư là thầy giáo dạy học và vị trí gắn liền với trường nơi họ dạy. Nếu họ chuyển lên trường cao cấp hơn nhiều khi họ phải chấp nhận “xuống cấp”.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG