Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên của ta thiếu và yếu

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên của ta thiếu và yếu
TPO - “Hiện nay, ở bậc THPT trên cả nước thiếu khoảng 8.000 giáo viên. Trong khi đó, chất lượng giảng viên ở bậc đại học là cả vấn đề. 55% giảng viên đại học, cao đẳng ở nước ta mới có trình độ đại học”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Giáo viên của ta thiếu và yếu ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: XM.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết như vậy chiều 6/11, trước khi “đăng đàn” báo cáo Quốc hội về tình hình đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề vào sáng mai, 7/11.

Theo Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đã gửi tới các đại biểu Quốc hội 2 văn bản. Một vản bản báo cáo (sẽ được trình bày trước Quốc hội) về tình hình giáo viên và cán bộ quản lý trong ngành giáo dục. Văn bản thứ hai gửi để các đại biểu nắm tình hình triển khai cuộc vận động nói không vói tiêu cực trong ngành giáo dục.

Giáo viên thiếu và yếu

Thưa Bộ trưởng, có ý kiến cho rằng, giáo viên trong ngành giáo dục hiện nay thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, với chức năng nâng cao dân trí, phát hiện, bồi dưỡng và đào tạo, phát triển nhân tài cho đất nước, ngành giáo dục với khoảng 1 triệu cán bộ quản lý còn phải nỗ lực rất nhiều.

Hiện nay, số lượng giáo viên của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Trên cả nước, chúng ta thiếu khoảng 8.000 giáo viên ở bậc Trung học phổ thông, đặc biệt là ở các vùng sâu, xa.

Ở giáo dục đại học, tính bình quân cả nước, khoảng 28 đến 30 sinh viên mới có một giảng viên. Ở một số nước, con số này là 15 sinh viên/giảng viên.

Về số lượng, ta thiếu một nửa so với bạn. Trong khi đó, chất lượng giảng viên bậc đại học cũng là vấn đề lớn. Ở các nước tiên tiến, nếu muốn đứng trên bục giảng đại học, anh phải có bằng Tiến sĩ. Ở nước ta, hiện 55% giảng viên đại học, cao đẳng mới chỉ trình độ đại học.

Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và Bộ GD&ĐT có biện pháp gì để nâng cao chất lượng giáo viên?

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố thu nhập và môi trường giảng dạy của giáo viên. Hiện nay, ngay ở các trường đại học, mỗi thầy, cô chưa có một cái bàn để ngồi riêng mà thông thường ở khoa chỉ có một phòng bộ môn ngồi chung.

Ở các trường phổ thông, đại đa số các thầy cô cũng không có bàn ngồi riêng. Ngay như ban giám hiệu ba người, cũng chỉ có hai cái bàn.

Trong khi đó, đồng lương của giáo viên quá thấp. Bộ GD&ĐT cùng các Bộ, ngành liên quan đang xây dựng lộ trình nâng cao thu nhập cho giáo viên từ 2007 đến 2010. Nguyện vọng là thu nhập của nghề thầy giáo phải sống được. Đó là nguyện vọng chính đáng. Nguyện vọng này cũng khẳng định sự chăm sóc của xã hội đối với đội ngũ giáo viên.

Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ chính. Một trong số đó là phải có chương trình giúp giáo viên tự nâng cao trình độ. Bộ không thể đưa 1 triệu giáo viên đi học lại, mà chỉ bồi dưỡng những cán bộ chủ chốt, còn lại phải tự học.

Vì thế, phải tìm kiếm, phát hiện những giáo viên trẻ có năng lực, cử đi bồi dưỡng, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu mới. Những giáo viên lớn tuổi, có cống hiến rồi, không đủ sức đáp ứng yêu cầu, sẽ được sắp xếp lại.

Thành lập Cục giáo viên

Để chăm lo cho đời sống giáo viên, Bộ GD&ĐT có nên khôi phục lại Vụ giáo viên, thưa Bộ trưởng?

Năm 2003, khi sắp xếp lại bộ máy, Vụ giáo viên bị giải thể nên không có bộ phận chuyên trách chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo. Hiện nay, công việc này do một số cán bộ ở Vụ tổ chức của Bộ GD&ĐT đảm đương. Dù đã rất cố gắng nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được.

Yêu cầu đặt ra là phải có một bộ phận với ít nhất khoảng 15 đến 20 người chuyên lo việc giáo viên sống ra sao, dạy dỗ thế nào?… Sắp tới, Bộ sẽ thành lập Vụ hoặc Cục giáo viên và quản lý cán bộ giáo dục. Gắn với đó là công tác quy hoạch cụ thể.

Về chất lượng cán bộ giáo dục, Bộ GD&ĐT có nên đặt ra một “ngưỡng” nào đó bắt buộc các hiệu trưởng phải trải qua trước khi được bổ nhiệm? Ý kiến của Bộ trưởng thế nào?

Chúng ta cần bàn xem có nên hình thành chương trình bắt buộc rồi hiệu trưởng các trường từ mẫu giáo đến đại học phải trải qua như một điều kiện trước khi được bổ nhiệm hay không. Chúng ta cũng phải bàn việc xây dựng hệ thống các trường lớp đào tạo quản lý cho cán bộ trong ngành. Hiện nay vấn đề này chưa ổn định.

Cùng với đó, cũng phải bàn tới việc có nên luân chuyển giáo viên, hiệu trưởng giữa các trường trong một tỉnh. Hiện cũng đã có quy định luân chuyển nhưng phải tính sao cho phù hợp hơn nữa.

Ví dụ, một hiệu trưởng của một trường giỏi ở thị xã, có nên luân chuyển lên một trường ở vùng núi, sau 6 năm hoặc 10 năm công tác để phổ biến kinh nghiệm quản lý giỏi. Đi kèm với đó phải có chính sách khuyến khích.

Thay đổi tiêu chí thi đua

Bộ trưởng đánh giá thế nào khi có những nhận xét rằng, cuộc vận động "hai không" trong ngành giáo dục còn thiên về phong trào, dù đường lối là hoàn toàn đúng đắn?

Cái này có lẽ là do báo chí chưa nắm được đầy đủ thông tin chứ Bộ đã có chủ trương trong cả năm chi tiết cho phong trào này. Một trong số đó là trong tháng 9 và 10 năm nay, các trường sẽ tổ chức sinh hoạt trong 3 giới: phụ huynh, giáo viên và học sinh. Các giới thảo luận xem trường mình có tiêu cực trong thi cử không, nếu có thì đề xuất giải pháp như thế nào.

Trong học kỳ 1 năm học này, các trường phải cụ thể hóa quyết tâm bằng việc tổ chức thi nghiêm túc. Các trường có thể áp dụng biện pháp riêng như ra đề chung toàn trường, chấm chéo…

Bên cạnh đó, năm nay, Bộ sẽ không lấy tỉ lệ tốt nghiệp là tiêu chí đánh giá thành tích của các trường. Tới đây, Bộ sẽ gửi xuống các trường phiên bản cuối cùng bảng thành tích thi đua.

Trong đó quy định: tỉ lệ khá giỏi là do trường bàn bạc tự đề xuất, căn cứ vào điều kiện của trường mình. Sẽ không có chuyện tỉnh hoặc Sở giao chỉ tiêu xuống trường nữa. Cùng với đó, Bộ sẽ chú trọng đánh giá phương pháp đạt tỉ lệ học sinh khá giỏi chứ không chú trọng đến tỉ lệ học sinh khá giỏi là bao nhiêu như những năm trước.

Để khuyến khích đổi mới công tác dạy và học, Bộ GD&ĐT cũng giao cho vụ Trung học và Tiểu học xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, giúp các em sáng tạo. Ngân hàng này sẽ được đưa lên mạng. Dự kiến tháng 3/2007, mạng này sẽ được khai trương.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Xuân Mai ghi

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.