Bộ trưởng Bộ GD&ĐT "thi vấn đáp" về kỳ thi quốc gia

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải trình về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sáng 23/9. Ảnh: VietNamNet.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận giải trình về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ sáng 23/9. Ảnh: VietNamNet.
Tại phiên giải trình sáng 23/9, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ví mình như đang “trả lời vấn đáp” trong phiên giải trình về việc đổi mới các kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ).

Các đại biểu quốc hội (ĐBQH) tham dự phiên họp đã nêu hàng loạt những băn khoăn, vướng mắc của bản thân và của các cử tri về kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Kỳ thi năm 2015 chưa phải phương án cuối

Đại biểu Nguyễn Kim Thúy đặt câu hỏi: “Tại sao đổi mới bất ngờ như vậy? Bộ trưởng có đặt mình vào vị trí học sinh không? Kỳ thi năm 2015 có phải phương án cuối không? Nếu không phải phương án cuối, đề nghị Bộ trưởng công bố lộ trình đổi mới những năm tiếp theo?”.

“Chúng tôi không làm gì bất ngờ, mà làm theo lộ trình công bố rộng rãi” – ông Luận khẳng định. “Các thầy cô giáo đón nhận đổi mới bình thường, thuận lợi. Minh chứng là sự thay đổi ở các kỳ thi năm 2014. Kỳ thi năm 2015 còn nhiều thời gian để chuẩn bị”.

“Còn đây có phải đổi mới cuối cùng không? Thì không được lẫn việc dạy, học, thi cử khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 29. Khi đó sẽ có phương án mới hẳn 100%. Nhưng vẫn còn các cháu đang học chương trình cũ, nhưng không thể chờ đến 12 năm sau mới bắt đầu thay đổi toàn bộ. Hiện nay là cải tạo cái cũ theo cái mới, đang bàn phương án thi giai đoạn quá độ, khi không thể chấp nhận cái cũ nữa nhưng chưa đủ điều kiện thực hiện cái mới.

Phương án thi đổi mới đang xây dựng. Sau năm 2015, tới 2016, 2017 sẽ rõ hơn nữa. Những thay đổi sẽ theo đúng hướng, không phải nay rẽ phải mai rẽ trái rồi quay về chỗ cũ.

Chúng tôi tổ chức kỳ thi quốc gia chứ không phải gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh làm một. Năm trước Bộ đã khuyến khích nhưng đa số tuyệt đối các trường công lập không làm phương án riêng. Chỉ có những trường NCL khó khăn tuyển sinh mới có phương án riêng. Chúng tôi đã có điều tra, không thể buông trách nhiệm được khi các trường không sẵn sàng”.

"Không bộ trưởng nào dự báo tỉ lệ tốt nghiệp"

"Khó khăn lớn nhất là sức ì" - Đây là câu trả lời của ông Luận trước câu hỏi về “Khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện kỳ thi, và những phương án khắc phục?” do bà Nguyễn Thanh Hải, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra.

Ông Luận cho rằng, để thay đổi, đổi mới chắc chắn có những khó khăn không lường trước hết được.

“Chúng tôi nhích từng chút một thì bảo vụn vặt, làm luôn đi. Nhưng mới thay đổi như năm nay thì lại bảo là sốc. Cách dạy học truyền thụ kiến thức một chiều đã đi vào máu thịt từ lâu nay, nhưng sẽ phải thay đổi. Có thể quan điểm nhận thức đã thông nhưng phản ứng tự nhiên lại khác. Làm sao để 2 triệu thầy cô giáo hiểu và thống nhất, để 20 triệu học sinh hiểu, rồi từ đó hàng chục triệu phụ huynh, cô dì chú bác của các em cùng hiểu…”.

"Các vấn đề khác sẽ phải làm việc các địa phương, tỉnh, nhà trường. Tất cả đều có phương án đã triển khai ở phạm vi 4 cụm trước đây, từ điện lực giao thông, y tế... từ gần chục năm nay. Chúng tôi sẽ cân nhắc, lưu tâm khi lựa chọn cụm thi".

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT "thi vấn đáp" về kỳ thi quốc gia ảnh 1

Bà Nguyễn Thanh Hải, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội 

"Ông dự báo tỉ lệ thí sinh thi đỗ tốt nghiệp là bao nhiêu?" là câu hỏi của ĐB Hoàng Hoa.

Với câu hỏi này, ông Luận cho biết ông có thể dự báo được số lượng thí sinh đỗ... đại học theo chỉ tiêu tuyển sinh của các trường.

"Còn thi tốt nghiệp tùy kết quả học của học sinh. Còn Bộ cố gắng để tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, khách quan chất lượng. Tôi được biết không bộ trưởng giáo dục nào trên thế giới, và không bố trưởng tiền nhiệm nào trước tôi, làm điều này. Nếu tổ chức thi nghiêm túc mà đỗ 100% là tốt. Còn nếu trượt tới 50% rồi mà vẫn còn phần giả dối thì không được" - ông Luận nhấn mạnh.

Sẽ “giải tán” cụm thi địa phương?

Cụm thi địa phương là vấn đề khiến nhiều đại biểu cảm thấy vướng mắc nhất. Một loạt các câu hỏi đã được đưa ra như: “Tiêu chí nào để xác định cụm?”, “Việc tổ chức tại một số địa phương không có cụm thi do các trường ĐH chủ trì, giao cho địa phương sẽ dẫn đến hệ lụy: Khó đảm bảo thống nhất về mặt bằng chất lượng. Vậy Bộ GD-ĐT làm thế nào để thi 2 nơi mặt bằng như nhau?”, “Tại sao Bộ lấy quyền vào đại học của các cháu thi ở cụm?”, “Tại sao chia 2 loại cụm thi?”...

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT "thi vấn đáp" về kỳ thi quốc gia ảnh 2

  Một số địa biểu đề nghị Bộ trưởng giải đáp không tổ chức và xác định cụm thi

Với những câu hỏi này, ông Luận cho biết “Ở các tỉnh miền núi phía Bắc một huyện có khi to bằng một tỉnh dưới xuôi, nếu bắt các cháu không có nhu cầu thi đại học phải di chuyển về cụm thi đại học khi không có nhu cầu học đại học thì quá xa xôi”.

Cơ hội vào đại học đối với các thí sinh chỉ thi ở cụm địa phương không đóng lại vì nhiều trường đại học xét tuyển kết quả ở phổ thông thôi. Cũng có thể có trường nào đấy có phương án tuyển sinh riêng tuyên bố sử dụng kết quả thi ở cụm địa phương Bộ không ngăn cấm. Chỉ có điều dư luận tỏ ra tin cậy kết quả thi cụm đại học hơn nên Bộ tổ chức.

Không đặt giả thiết chất lượng giữa các cụm thi chỗ này nghiêm chỗ kia không nghiêm thì chúng tôi vẫn phải lo đảm bảo mặt bằng giống nhau. Như xử lý vụ Đồi Ngô trước đây. Dù một cơ chế vẫn phải làm nghiêm túc, và giải quyết bằng nhiều giải pháp.

Độ tin cậy của kỳ thi đại học nhiều hơn là do cách thi, quản lý, cách chấm chứ không phải do kết quả thi. Chúng tôi xác định hướng là phải tổ chức thi ở tất cả các cụm địa phương với sự thanh tra của các Sở, Bộ phối hợp, chưa loại trừ cả việc yêu cầu các trường tham gia. Cố gắng để có kết quả tin cậy.

Tuy nhiên, ĐB Dương Trung Quốc lại đưa ra một cách nhìn nhận khác. Theo ông Quốc, một kỳ thi phải đảm bảo công bằng, minh bạch, nghiêm cẩn cộng thêm với sự thuận lợi. "Nhưng cuối cùng chúng ta lại chỉ bàn thuận lợi. Vậy hãy tính xem có nhất thiết để cụm địa phương không? Các cháu đi thi để lấy kết quả xết tuyển vào ĐH thì thi cụm là cần thiết. Nhưng nên để các cháu khác thi bình thường, thi luôn ở địa phương như lâu nay".

Đồng quan điểm, ông Đào Trọng Thi đưa gợi ý: "Nếu chỉ vì học sinh miền núi khó khăn thì giới hạn luôn áp dụng ở khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa. Đúng là các cháu không có nhu cầu ĐH, nên để cho các cháu thi luôn ở địa phương chứ không cần đưa về cụm địa phương làm gì. Còn nếu học ĐH phải về cụm. Bộ GD-ĐT nên bỏ luôn một vấn đề rất có thể sẽ trở thành điểm yếu".

Theo Ngân Anh

Theo VietNamNet
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.