Bộ trưởng GD&ĐT

Bộ trưởng GD & ĐT: 'Tôi khẳng định tên gọi vẫn là học phí'

Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, học phí theo Luật Giá sẽ không có chuyện tùy tiện tính bao nhiêu thì tính.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, học phí theo Luật Giá sẽ không có chuyện tùy tiện tính bao nhiêu thì tính.
TP - Làn sóng phản ứng với “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” của Bộ GTVT chưa kịp lắng xuống, nay lại đến lượt “giá dịch vụ đào tạo” lăm le thay tên gọi quen thuộc “học phí” trong Dự thảo Luật Giáo dục ĐH vừa được trình Quốc hội.

Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói: “Về tên gọi của khoản tiền mà người học phải đóng cho cơ sở đào tạo, tôi khẳng định ngay tên gọi vẫn là học phí”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: Theo tôi, dư luận phản ứng có hai lý do, thứ nhất là do chưa đủ thông tin; thứ hai là trước cái mới, lại chưa đủ thông tin thì thường có nhiều người phản ứng. Và nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao để cho mọi người đều hiểu.

Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp cho người cung cấp dịch vụ để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí đào tạo. Nhưng trong thực tế học phí không bao trùm tất cả các chi phí đào tạo mà cơ sở đào tạo cung cấp, nhất là đối với một số loại chi phí do Nhà nước đặt hàng đào tạo. Ví dụ như giao đào tạo bao nhiêu người, kinh phí bao nhiêu thì phải có định mức, mà định mức thì phải áp dụng theo luật giá mới tính được.

Hiện nay, phải thấy một điều là chi phí cho hoạt động đào tạo một học sinh, sinh viên nếu chỉ tính vào học phí mà người học phải trả ở các trường công lập thì vẫn chưa đủ bởi vì thực tế, Nhà nước phải lo rất nhiều. Cho nên, nói học phí là tất cả sẽ không đúng, nó chỉ là một phần chi phí đào tạo. Phần còn lại tương đối lớn Nhà nước vẫn phải bao, phải chi. Do vậy, từng bước một cần phải tính toán lại. Nhà nước không thể bao cấp mãi. Muốn nâng cao chất lượng, người học phải đóng thêm. Thêm vào bao nhiêu thì phải tính toán theo quy định của luật Giá, lộ trình như thế nào là phù hợp thì Chính phủ sẽ quy định đối với khối trường công lập.

Vậy liệu có sự “đánh tráo khái niệm” hay “nhập nhèm” giữa hai khái niệm  “học phí” và  “giá dịch vụ đào tạo” không, thưa ông?

Về tên gọi của khoản tiền mà người học phải đóng cho cơ sở đào tạo, tôi khẳng định ngay tên gọi vẫn là học phí. Ở đây có sự hiểu chưa đúng. Giá dịch vụ ở đây là cơ chế tính giá mà theo Luật Giá gồm các chi phí liên quan trực tiếp, theo yêu cầu và để phục vụ cho hoạt động đào tạo. Mà học phí thì như tôi đã nói ở trên. Người học vẫn đóng học phí bình thường. Còn theo mức nào và đến khi nào tính đúng, tính đủ phải có lộ trình phù hợp.

Điều 105 của Luật Giáo dục là luật khung đã ghi rõ là  học phí rồi. Còn Luật Giáo dục ĐH  chỉ viện dẫn sang. Ngoài ra còn quy định thêm một số nội dung nữa về giá dịch vụ nên gọi là Giá dịch vụ đào tạo cho phù hợp với nội dung của điều này và Luật giá.

“Không có chuyện  tùy tiện tính bao nhiêu thì tính”

Nhưng nhiều ý kiến vẫn lo ngại về sự lạm thu khi có Luật giá này, ý kiến ông thế nào?

Dư luận lo ngại là do chưa nắm rõ va đủ thông tin. Theo luật hiện hành, mình chỉ có quy định học phí, chỉ là một phần chi phí, thì không phải tính toán chi ly, và người đi học nghĩ chỉ đóng học phí là hết, không còn gì khác. Bây giờ, tính đúng, tính đủ thì phải tính nhiều khoản như tiền lương, chi phí quản lý, các chi phí trực tiếp và khấu hao thì cần phải tính kỹ, hợp lý và công khai, minh bạch. Vì vậy, mà Luật Giáo dục ĐH phải quy định cho rõ, và yêu cầu phải công khai, minh bạch.

Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tính theo khung giá được áp vào. Không có chuyện  tùy tiện tính bao nhiêu thì tính. Ví dụ về lệ phí thi sẽ xem xét theo cơ chế tính giá dịch vụ. Nhưng phải được Bộ Tài chính đồng ý thì mới được ban hành, không tùy tiện. Như vậy, giá dịch vụ ở đây được hiểu là những chi phí được tính đúng tính đủ mà cơ sở đào tạo cần phải tính để được thu khi cung cấp dịch vụ đào tạo, theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và phải công bố cho người học biết ngay từ khi thông báo tuyển sinh.

Theo đó, sau này có lộ trình để tính học phí theo Nghị định 16, cả Nghị quyết  19 T.Ư cũng chỉ đạo là từng bước có lộ trình tính giá dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục, từng bước xác định chi phí để xác định giá dịch vụ. Hiểu giá dịch vụ là thương mại hóa là không đúng.

Vậy sự minh bạch ở đây sẽ được giám sát như thế nào, thưa ông?

Muốn chất lượng cao thì chi phí phải phù hợp. Mà chi phí theo luật về giá phải theo danh mục của các chi phí được thanh quyết toán. Cái này liên quan cả thuế. Sau này kiểm toán, tất cả những khoản này vào đâu là theo danh mục, mà theo luật ban hành văn bản luật pháp thì các luật phải đồng bộ với nhau. Chính điều này sẽ ngăn chặn lạm thu.

Trước kia chưa có luật này thì người ta cứ gọi là đóng góp thêm, xã hội hóa, nhưng giờ rõ ràng chi vào việc gì phải có cơ cấu, mục tiêu chi và phải được công khai.

Xin cảm ơn ông.

Các nước vẫn gọi là học phí

Theo GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại, học phí là thuật ngữ đã từ lâu rất quen thuộc trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Nó thấm sâu trong tiềm thức của tất cả các tầng lớp xã hội Việt Nam. Học phí được cắt nghĩa gồm hai chữ: Học là học tập, Phí là chi phí.

Do đó, GS Sơn cho rằng, việc đổi tên “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo”, cần phải cân nhắc thấu đáo có nên hay không? Nếu như thay đổi tên gọi mà không làm thay đổi bản chất của học phí thì không nên. Vấn đề xã hội quan tâm là chính sách học phí trong thời gian tới sẽ như thế nào mới là điều quan trọng.

Trong các doanh nghiệp, có rất nhiều yếu tố tên gọi là phí mà vẫn hình thành theo cơ chế giá dịch vụ, cơ chế thị trường. Hay nói cách khác, không nên lấy tên cơ chế để đặt tên cho một khoản thu nào đó.

Vậy thì có cần phải đổi tên gọi truyền thống của thuật ngữ này hay không? Theo GS Sơn, ở các nước hiện nay, người ta vẫn gọi là học phí mặc dù họ cũng thường xuyên điều chỉnh, hoàn thiện chính sách học phí.

MỚI - NÓNG