Bộ trưởng Giáo dục: “Không có chuyện buông lỏng chất lượng”

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
TPO - “Không có chuyện buông lỏng chất lượng và "thượng vàng hạ cám"”-  Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết khi trả lời trong cuộc phỏng vấn trực tuyến trên báo điện tử VnExpress hôm nay, 23/12.

Mỗi thí sinh có đến 16 cơ hội đậu vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy có thể nói trừ những em không đỗ tốt nghiệp thì hầu như mọi thí sinh đều có chỗ trong một trường nào đó, vậy chất lượng đầu vào có thể nói là "thượng vàng hạ cám" sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo và việc làm khi ra trường. Vấn đề này sẽ tiếp tục làm tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" sẽ trầm trọng hơn. Bộ trưởng có giải pháp gì để hạn chế những khía cạnh trên.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Cơ hội, nguyện vọng đăng ký vào trường khác với chỉ tiêu. Các cháu có thể đăng ký là tăng cơ hội cho các cháu, còn có vào hay không dựa vào kết quả điểm. Chỉ tiêu tuyển sinh của các nhà trường sẽ được xác định căn cứ trên các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Cụ thể là căn cứ vào số lượng giáo viên cơ hữu nhà trường hiện có, diện tích xây dựng tính trên đầu sinh viên, đảm bảo cho việc dạy và học cũng như ăn ở của sinh viên.

Dựa trên chỉ tiêu này nhà trường sẽ xét các cháu từ điểm cao nhất xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì vậy không có chuyện buông lỏng chất lượng và "thượng vàng hạ cám".

Tôi không nghĩ đến áp lực

Ông từng nói đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục quốc dân là trận đánh lớn của cuộc đời ông, vậy việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ có phải là trận mở màn?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Nếu nói là mở màn thì chúng tôi đã làm nhiều việc trước đấy như sử dụng chương trình, cách dạy cách học tiếng Việt; thay đổi cách dạy, cách học và cách thi cử ở tiểu học; thay đổi cách dạy từ truyền thụ kiến thức sang kỹ năng, tổ chức kỳ thi nghiên cứu khoa học của học sinh THPT; thay đổi cách ra đề thi, chấm thi tốt nghiệp năm 2014...

Nối tiếp những công việc đã và đang làm, Bộ đi đến thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015. Đó là một công việc trong chuỗi công việc mà ngành giáo dục đang làm.

Áp lực lớn nhất của Bộ trưởng trong lúc này là gì?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Tôi không nghĩ đến áp lực, tôi đang tập trung nghĩ đến các giải pháp tổ chức triển khai kỳ thi THPT quốc gia và công việc của ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Mỗi lãnh đạo đều mong muốn có dấu ấn cá nhân trong thời gian đương nhiệm. Liệu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong đó có đổi mới thi cử, có phải là dấu ấn cá nhân của ông trong suốt thời gian làm Bộ trưởng Giáo dục?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Tôi không nghĩ đến dấu ấn cá nhân mà tôi mong muốn có sự phát triển mạnh mẽ của nền giáo dục nước nhà.

Sự nghiệp đổi mới mấy chục năm qua luôn bắt đầu từ sự đổi mới nhận thức. Bên cạnh việc giữ lại những nề nếp tốt đẹp, ta cũng phải mạnh dạn đổi mới những điều không phù hợp.

Trên cơ sở thảo luận góp ý, chúng tôi cân nhắc mọi khía cạnh của vấn đề để sẽ tạo ra sự đồng thuận không chỉ trong kỳ tuyển sinh quốc gia tới đây mà trong cả những công việc khác ngành giáo dục đang làm.

Cá nhân tôi và các đồng nghiệp luôn rất nghiêm túc, thận trọng, thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhiều phía, có trách nhiệm khi đưa ra quyết định, không chỉ với sự nghiệp chung mà còn với từng học sinh, trong đó có cả con chúng tôi.

Quy chế tuyển sinh năm nay mới là dự thảo, chúng tôi đang tiếp tục lắng nghe góp ý của nhân dân để hoàn thiện và đưa ra phương án tối ưu.

Xin hỏi Bộ trưởng là khi nào thì công cuộc cải cách giáo dục sẽ hoàn thiện? Vì giờ tôi có con nhỏ rồi mà cải cách từ đời bố đến giờ vẫn chưa xong, tôi sợ con tôi tiếp tục được tham gia vào dịch vụ giáo dục thử nghiệm. Nếu được mong Bộ trưởng trả lời bằng một con số cụ thể!

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Theo nghị quyết của Quốc hội vừa mới thông qua thì chương trình và SGK mới sẽ được triển khai từ năm 2018, việc cuốn chiếu sẽ được tiến hành đồng thời ở cả 3 cấp học.

Quá trình cải cách diễn ra từ 2018 kéo dài trong 5 năm. Công việc này đang được Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo. Bộ Giáo dục đang triển khai theo kế hoạch này. 

Sẽ ổn định thi đến năm 2021

- Tôi là phụ huynh, quá sốc khi Bộ Giáo dục thay đổi kỳ thi tốt nghiệp và đại học. Tôi đã định hướng cho con theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục là thi theo ban, theo khối. Nay lại thay đổi, cả phụ huynh và học sinh đều bối rối, không biết sẽ phải làm thế nào?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Để thi tốt nghiệp các cháu phải thi 4 môn trong đó có 3 môn bắt buộc, một môn tự chọn. Điều này không có gì thay đổi so với trước. Thi để xét tuyển đại học vẫn là tổ hợp các khối thi, môn thi như trước. Các trường có thể có thêm tổ hợp khối thi mới.

Nhưng Bộ đã quy định chỉ tiêu để xét khối thi mới không vượt quá 25%. Đồng thời các nhà trường muốn bỏ khối thi truyền thống, thay khối thi mới phải thông báo trước ít nhất 3 năm. Tức là khi học sinh vào lớp 10 đã biết để định hướng việc học tập. Nên con của bạn chuẩn bị thi theo ban nào thì cứ thi theo ban đó.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sau khi có quy chế hoàn chỉnh sẽ được kéo dài ít nhất là bao nhiêu năm? Tôi có con thi vào năm 2017, liệu quy chế hiện hành còn tác dụng? Xin cám ơn Bộ trưởng!

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Theo quyết định của Quốc hội, chương trình SGK mới sẽ được triển khai vào năm học 2018-2019. Số học sinh vào đại học của chương trình này nhanh nhất là 2021. Như vậy quy chế hiện nay sẽ ổn định đến 2021.

Với quá nhiều vấn đề còn tồn đọng và tiêu cực trong ngành giáo dục và xã hội hiện tại, tôi thấy xét tuyển vào đại học chắc chắn sẽ bỏ sót những con người giỏi thật sự. Bộ Trưởng cần cân nhắc kỹ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: Trước đây thí sinh đăng ký nguyện vọng trước khi tổ chức kỳ thi, từ năm 2015 các em thi trước, trên cơ sở kết quả đó mới cân nhắc lựa chọn xét tuyển vào các trường phù hợp. Điều này khắc phục việc các cháu điểm cao mà không đỗ, các trường cũng tuyển được người giỏi hơn vào học.

Sẽ đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

Nội dung đề thi tuyển sinh đại học có khác gì so với cấu trúc chung của các năm qua?

Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Mai Văn Trinh:

Trong kỳ thi THPT 2015, đề thi sẽ tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 với nội dung trong chương trình phổ thông chủ yếu lớp 12.

Đề thi tiếp tục sử dụng các câu hỏi yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, các câu hỏi mở để trả lời chứ không đặt nặng việc ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. 

Việc công bố trước các môn thi và học sinh được quyền chủ động chọn môn thi liệu có dẫn tới sự học lệch của học sinh không? Hơn nữa việc sử dụng kết quả đánh giá quá trình vào kỳ thi liệu có dẫn tới hiện tượng các trường chủ động nâng điểm tổng kết cho học sinh của mìn không? Bộ sẽ quản lý việc này như thế nào?

Ông Mai Văn Trinh: Kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH-CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Do vậy, đề thi phải đáp ứng được yêu cầu nói trên.

Đề thi gồm các câu hỏi ở mức độ cơ bản (phù hợp với cả học sinh THPT và GDTX), thí sinh chỉ cần trả lời được các câu hỏi này là đủ đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp; các câu hỏi ở mức độ nâng cao dần nhằm phân hóa kết quả thí của thí sinh để sử dụng trong tuyển sinh.

Đề thi sẽ được xây dựng để đáp ứng yêu cầu này, đảm bảo quyền lợi của cả học sinh THPT và học viên GDTX.

Tôi xin hỏi Bộ trưởng về vấn đề xét tuyển của các trường đại học. Trong trường hợp có nhiều hồ sơ có điểm số bằng nhau thì các trường sẽ căn cứ vào tiêu chí nào để xét tuyển.

Ông Mai Văn Trinh: Công tác tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH-CĐ theo luật Giáo dục ĐH. Các trường sẽ có quy định cụ thể về công tác tuyển sinh để vừa đảm bảo chỉ tiêu tuyển sinh đồng thời đáp ứng chất lượng nguồn tuyển trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào.

Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng các tiêu chí phụ để lựa chọn các thí sinh có cùng điểm. Các em theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để thực hiện.

MỚI - NÓNG