Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung: Đổi mới toàn diện giáo dục nghề nghiệp

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung
TP - Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, kể từ năm 2017, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đồng thời giao Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý chung trên cả nước (thay vì phân tán như trước đây).

Thưa Bộ trưởng, Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH quản lý về giáo dục nghề nghiệp, trong đó chuyển một số trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp từ Bộ GD&ĐT về cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý, việc này có ảnh hưởng gì tới tuyển sinh và đào tạo của các trường tới đây?

Chính phủ đã bàn rất nhiều vấn đề này, và quyết định thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đồng thời phân công Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp trên cả nước.

Theo đó, từ 14/10/2016, toàn bộ chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ chuyển về Bộ LĐ-TB&XH, trừ lĩnh vực đào tạo sư phạm. Tuy nhiên, đây là quản lý nhà nước chứ không phải Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ quản. Hiện cơ quan chủ quản của đa số các trường nghề đều nằm ở các bộ, như y dược thuộc Bộ Y tế, các trường sư phạm thuộc Bộ GD&ĐT… Chương trình khung vẫn do các bộ chủ quản ban hành và thực thi.

Về quản lý nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH sẽ giúp Chính phủ xây dựng quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp; tham mưu cho Chính phủ xây dựng ban hành cơ chế chính sách để phát triển hệ thống dạy nghề; thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra đôn đốc…Về đào tạo, từ tháng 1/2017, những trường tuyển sinh mới sẽ bắt đầu học theo chương trình khung do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì.

Vậy, thời gian tới đặt ra thách thức gì trong công tác tự chủ của các trường nghề và vấn đề đào tạo liên thông giữa các trường?

Phải nâng dần tính tự chủ của các trường và giảm tối đa sự can thiệp của các bộ ngành, địa phương chủ quản vào lĩnh vực dạy nghề. Đồng thời, theo xu hướng giảm tải, giảm tối đa các trường công lập, thay vào đó phát triển mạnh các trường tư thục, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển trường nghề.

Về đào tạo liên thông, những người đang học chương trình năm 2016 trở về trước tiếp tục thực hiện liên thông theo quy định của Bộ GD&ĐT. Từ năm 2017, Thủ tướng giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng quy trình liên thông và tiêu chuẩn liên thông, để những người có đủ điều kiện và có nhu cầu tiếp tục học liên thông.

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng một đề án đổi mới cơ bản và toàn diện về giáo dục nghề nghiệp, hiện đã chọn ra khoảng 15 vấn đề mới. Sau khi xây dựng xong chúng tôi sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, chuyên gia, các trường…trên từng lĩnh vực và hoàn thiện đề án trình Chính phủ thông qua, để sớm thực hiện.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.