Bộ trưởng nên lên tiếng về vụ dán miệng học sinh

Bộ trưởng nên lên tiếng về vụ dán miệng học sinh
Theo GS.TSKH Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nên lên tiếng về việc bé Đỗ Ngọc Bảo Trân bị cô giáo dán miệng. 
Bộ trưởng nên lên tiếng về vụ dán miệng học sinh ảnh 1
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (áo hồng) thăm hỏi mẹ bé Trân. Ảnh: Pháp luật TPHCM.

>> Cô giáo thừa nhận dùng băng keo dán miệng trẻ
>> Cháu bé bị cô giáo dán miệng chết lâm sàng

Ông Thi nói: Vụ việc này là lời cảnh tỉnh đối với các cơ quan chức năng nhà nước có trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng, Bộ trưởng không nhất thiết phải có ý kiến về từng trường hợp cụ thể, nhưng trước một chuỗi sự kiện bạo hành học sinh liên quan đến đạo đức, nghiệp vụ của người thầy, Bộ trưởng cũng nên có tiếng nói.

Trên cơ sở đó, để thúc đẩy toàn bộ các cơ quan có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc hơn trách nhiệm của mình.

Ngày 5/12, chị Nguyễn Đan Thùy, mẹ bé Trân cho biết, lúc 20 giờ tối 4/12, thân nhiệt của bé Trân đã hạ xuống còn 35,5oC.Tuy nhiên, đến ngày 5/12, thân nhiệt của bé lên lại 35,9oC.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, tình hình sức khỏe của bé Trân đã trở nên rất xấu và bé có thể ra đi bất cứ lúc nào.

Chiều tối 5/12, ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, đã đến thăm bé Trân tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Cùng ngày, luật sư Nguyễn Quốc Hưng, Đoàn luật sư TP.HCM (luật sư Chương trình trợ giúp pháp lý miễn phí của Pháp Luật TP.HCM), đã chính thức nhận lời trợ giúp pháp lý, theo dõi hồ sơ và bảo vệ quyền lợi miễn phí cho bé Trân khi ra tòa.

Theo luật sư Hưng, có thể truy tố cô giáo đã gây hại cho bé Trân tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hay tội vô ý gây thương tích do vi phạm những quy tắc về nghề nghiệp, gây tổn hại đến sức khỏe người khác.

“Tuy nhiên, chỉ có thể truy tố tội giết người nếu cô giáo đó đủ trình độ nhận thức việc dùng băng keo bịt miệng bé Trân sẽ gây nghẹt thở dẫn đến chết...” - luật sư Hưng nói.

Về phía Sở GD&ĐT TPHCM, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở này cho biết, lãnh đạo Sở đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân vụ việc của bé Trân.

Đối với sai phạm của cơ sở trường mầm non Thiên Thơ, ông Minh cho biết, là không thể chấp nhận được. Phòng Giáo dục quận Phú Nhuận (TPHCM) đã nhiều lần nhắc nhở nhưng cơ sở này không thực hiện nghiêm túc quy định của ngành, dẫn đến sai phạm đau lòng vừa qua.

Trước mắt, Sở đã giải tán nhóm trẻ này và chuyển các cháu còn lại sang trường mầm non công lập.

“Chủ trương của nhà nước trong xã hội hóa giáo dục rất cần làm, khuyến khích nhà đầu tư. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành cũng mong các cơ sở phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của ngành như những cơ sở quốc lập. Không thể vin vào quy chế dân lập mà dễ dãi trong quản lý...” - ông Minh nói.

Phải giám định mới đủ cơ sở khởi tố bị can

Ngày 5/12, cơ quan điều tra Công an quận Phú Nhuận (TPHCM) cho biết, nếu bé Trân mất, cơ quan điều tra phải mổ tử thi để xác định nguyên nhân gây ra cái chết cho bé vì có nhiều vấn đề liên quan. Cái chết của bé Trân khác hoàn toàn với cái chết của một vụ tai nạn giao thông.

Chết do tai nạn giao thông thường có những thương tích cụ thể. Còn trường hợp bé Trân không thể dựa vào bệnh án để kết luận bé chết do bị bịt miệng bằng băng keo.

Hơn nữa, muốn chứng minh nguyên nhân gây chết cho bé Trân do bịt miệng hay do bệnh án khác gây ra thì buộc phải mổ tử thi (nếu cháu Trân mất).

Phải có kết luận từ việc mổ tử thi mới đủ cơ sở pháp lý để khởi tố bị can. Trường hợp cháu Trân không mất, cơ quan điều tra chỉ giám định tỷ lệ thương tật để có hướng xử lý khác. Với tình trạng sức khỏe của bé Trân hiện nay, cơ quan điều tra chưa thể đưa ra kết luận gì.

Theo Pháp luật TPHCM

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.