Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận trách nhiệm

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận trách nhiệm và cam kết không để những bất cập tái diễn trong lần xét tuyển thứ 2. Ảnh : Đình Nam
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhận trách nhiệm và cam kết không để những bất cập tái diễn trong lần xét tuyển thứ 2. Ảnh : Đình Nam
TP - Trước tình trạng bất cập trong công tác xét tuyển Đại học - Cao đẳng (ĐH- CĐ) đợt 1, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận đã nhận trách nhiệm và cam đoan sẽ nghiêm túc khắc phục, không để tình trạng trên tái diễn trong đợt xét tuyển lần 2.

Trước tình trạng bất cập trong công tác xét tuyển Đại học - Cao đẳng (ĐH- CĐ) đợt 1, chiều 21/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng để bàn giải pháp khắc phục. Tại buổi làm việc trên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nhận trách nhiệm và cam đoan sẽ nghiêm túc khắc phục những bất cập, không để tình trạng trên tái diễn trong đợt xét tuyển lần 2.

Chưa lường hết tính phức tạp

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, đến nay, các trường đã kết thúc việc nhận hồ sơ xét tuyển và trong 1-2 ngày tới sẽ có kết quả. Thống kê cho thấy, đã có hơn 560 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH và CĐ. Tuy nhiên số lượt thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển là gần 43 nghìn em, chiếm 8,1% số thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1; trong đó số thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển tại các Sở Giáo dục và Đào tạo là 11 nghìn em, tại các trường ĐH và CĐ là 31 nghìn em. Việc thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT) chủ yếu tập trung vào 30 trường có số thí sinh ĐKXT vượt nhiều chỉ tiêu - đây là những trường có điểm chuẩn ở tốp cao nhất trong năm trước và cả năm nay.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ GD&ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của các giải pháp trong tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh”.

Bộ trưởng GD&ĐT 

Phạm Vũ Luận

Về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong xét tuyển, ông Luận cho rằng do để cho thí sinh đăng ký 4 ngành và được điều chỉnh nguyện vọng trong một thời gian dài (20 ngày). Các quy định liên quan đến hồ sơ ĐKXT chưa hợp lý dẫn đến sự lo lắng, căng thẳng của nhiều thí sinh và phụ huynh. Tình trạng phải đi lại, chờ, chực ở các trường ĐH, CĐ gây tốn kém, phiền hà.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ GD&ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của các giải pháp trong tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh”, ông Luận nói và nhận trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, thiếu sót trên.

Tuy nhiên, qua thảo luận có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân của sự bất cập vừa qua là do một số trường đại học khi xác định điểm chuẩn không cân nhắc hết các điều kiện, thông số dẫn đến nhiều trường đại học có truyền thống lấy điểm thi cao ở các năm trước vẫn để điểm lấy hồ sơ ở mức sàn là 15 điểm. Điều này dẫn đến số lượng đăng ký vào các trường này rất đông, dẫn đến có sự điều chỉnh, thay đổi lớn.

Ngoài ra, dù Bộ GD&ĐT đã có chủ trương là thí sinh khi đăng ký xét tuyển không cần rút phiếu điểm ra, chỉ cần in phiếu đăng ký bổ sung điều chỉnh nguyện vọng, gửi phiếu đó trực tiếp qua các trường/qua đường bưu điện/qua mạng nhưng nhiều thí sinh, phụ huynh không cập nhật được thông tin, vẫn tìm cách lấy được phiếu báo điểm rồi mới thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung trường mới. Phần trách nhiệm này thuộc về Bộ GD&ĐT chưa làm tốt công tác truyền thông, chưa giải thích cặn kẽ cho thí sinh, phụ huynh nội dung đổi mới, cách thức triển khai, phương thức tuyển sinh.

Lần 2: Chỉ dùng một phiếu đăng ký xét tuyển

Về giải pháp để khắc phục những bất cập hạn chế trong công tác xét tuyển, ông Luận cho hay, trong đợt xét tuyển đợt hai, các thí sinh sẽ không phải đăng ký nhiều lần mà dùng một phiếu đăng ký xét tuyển ghi tất cả nguyện vọng của mình gửi về các trường ĐH, CĐ thông qua các kênh: Sở GD&ĐT, trường Trung học Phổ thông hoặc gửi trực tiếp đến các trường ĐH,CĐ mà mình đăng ký.

Bộ trưởng Luận cũng khẳng định, Bộ GD&ĐT đảm bảo tất cả phiếu đăng ký của các thí sinh qua các kênh như bưu điện, hoặc gửi trực tiếp đều sẽ được chuyển nhanh chóng, trực tiếp, chính xác đến các trường mà các em có nguyện vọng đăng ký. Bộ đã chỉ đạo các trường ĐH,CĐ nhanh chóng công bố kết quả tuyển sinh đợt 1 và chỉ tiêu còn lại xét tuyển trong đợt 2. Đồng thời, ngay sau khi các trường xét tuyển xong đợt 2 sẽ công bố kết quả tuyển sinh, không chờ thời hạn 20 ngày như đợt 1.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những cố gắng của Bộ, cũng như đóng góp của người dân, cấp ủy chính quyền các cấp và toàn thể xã hội trong việc tổ chức kỳ thi quốc gia THPT về cơ bản đạt mục tiêu như chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên việc sử dụng kết quả kỳ thi vẫn chưa tốt. Mục tiêu ban đầu của kỳ thi là tạo thuận lợi, công bằng cho thí sinh nhưng vẫn còn để nhiều người dân và thí sinh phiền hà, rất vất vả, hoang mang. Phó Thủ tướng đồng ý với các đánh giá về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

MỚI - NÓNG