Bối rối tìm tiêu chí đánh giá trường chất lượng cao

Bối rối tìm tiêu chí đánh giá trường chất lượng cao
TPO - Dự thảo bộ tiêu chuẩn đánh giá trường Trung học Chất lượng cao của Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra 26 tiêu chí để làm căn cứ công nhận một cơ sở giáo dục có đạt chất lượng cao hay không.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho rằng các tiêu chí đó hoặc quá thấp, hoặc quá cao và chưa phản ảnh đúng mục tiêu giáo dục.

Theo diễn giải của ông Phạm Hữu Hoan trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội tại hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo bộ tiêu chuẩn đánh giá trường Trung học Chất lượng cao (gọi tóm tắt là bộ tiêu chuẩn trường CLC) chiều 9-5, một trong ba căn cứ pháp lý để Sở này xây dựng bộ tiêu chuẩn này là quy chế công nhận trường trung học đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Theo đó, các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn trường CLC đánh giá hoặc tương đương, hoặc cao hơn một chút so với tiêu chuẩn quốc gia. Ví dụ, về sĩ số, mỗi lớp không trường CLC không quá 40 học sinh/ lớp trong khi tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia chỉ yêu cầu không quá 45 học sinh/lớp. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, bộ tiêu chuẩn trường CLC yêu cầu có đủ các phòng chức năng, phòng bộ môn phục vụ việc dạy và học; có trang thiết bị hiện đại máy Projector, bảng tương tác thông minh…

Các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cho rằng, những tiêu chuẩn về trang thiết bị dạy học của trường đạt chuẩn quốc gia là quá “bình thường” so với điều kiện dạy học thực tế hiện nay của các trường nội thành Hà Nội. Ví dụ hầu như trường nào của Hà Nội cũng có máy projector, thậm chí rất nhiều trường tiểu học nội thành Hà Nội còn có đủ mỗi lớp một máy.

Thầy Nguyễn Văn Hoà, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Một trường quy mô 45 lớp có 4 phòng học bộ môn là có thể đạt chuẩn quốc gia nhưng nếu để thực sự phục vụ nhu cầu dạy và học thì một trường như vậy cần tới 10 phòng học bộ môn chưa chắc đã đủ! Nếu tiêu chuẩn thấp thì nhiều trường sẽ cố cho có, hậu quả là thiết bị chỉ đủ để trình diễn chứ không đủ để phục vụ chất lượng dạy học”.

Các hiệu trưởng cũng cho rằng quy định trường CLC có sĩ số không quá 40 học sinh/ lớp là quá lạc hậu. Theo các đại biểu, phần lớn các trường tư có nhiều mô hình lớp học khác nhau, trong đó những lớp có 35 đến 40 học sinh/lớp đều được gọi là lớp “đại trà”, chỉ có những lớp 22 đến 25 học sinh/lớp mới được gọi là lớp “chất lượng cao”. Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Lô mô nô xốp cho biết, với sĩ số 30 học sinh/ lớp, trường này chỉ phải thu học phí 900.000 đồng/học sinh/ tháng (sang năm học tới sẽ tăng thành 1,1 triệu đồng/ tháng).

Thầy Dũng nói: “Ngay cả 30 học sinh/lớp với các trường tư cũng là bình thường. Với trường công, có thể để đạt đến mức sĩ số đó thì cần phải cố gắng”. Tuy nhiên, một đại diện cán bộ quản lý trường THCS Cầu Giấy (một trường mới xây dựng theo mô hình trường CLC của quận Cầu Giấy) cũng cho biết, hiện nay sĩ số của trường chỉ là 30 học sinh/ lớp.

Trong khi các tiêu chí về điều kiện đảm bảo học tập đặt ra ở mức quá thấp như vậy thì các tiêu chí về cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, kết quả giáo dục lại quá cao hoặc thiên lệch, không thể hiện được mục tiêu giáo dục con người, giáo dục toàn diện. Chẳng hạn, tiêu chí 7 của tiêu chuẩn 2 yêu cầu: “Học sinh được tuyển chọn qua các hình thức: xét tuyển hoặc thi tuyển và có 5 năm giỏi ở bậc Tiểu học và 4 năm giỏi ở bậc THCS”. Các đại biểu cho rằng nếu chỉ tuyển học sinh giỏi vào để dạy thì không cần đến trường CLC!

Hoặc với tiêu chí “30% học sinh đỗ vào các trường THPT chuyên (đối với trường THCS), trên 60% học sinh thi đỗ các trường đại học nguyện vọng 1 (đối với các trường THPT)” cũng được các đại biểu cho rằng ngành GD&ĐT Thủ đô tự bó tay mình. Theo các đại biểu, mô hình trường CLC phải đa dạng và đảm bảo tính khác biệt.

Có những trường ngoài các tiêu chí chung đạt CLC sẽ tập trung vào mảng giáo dục học sinh giỏi (vốn là ưu thế của các trường công); có những trường tập trung vào mảng trang bị kiến thức, kỹ năng giúp học sinh hoà nhập tốt khi du học nước ngoài (vốn là ưu thế với các trường tư). Mặt khác, việc đặt ra các tiêu chí trên sẽ phi thực tế, khiến cho số trường đạt mác “chất lượng cao” sẽ chỉ rất ít trường đạt được khi mà cả thành phố chỉ có mấy trường chuyên.

Kết thúc hội thảo, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết Sở sẽ đưa dự thảo lên mạng của ngành nhằm trưng cầu ý kiến dư luận một cách rộng rãi. Các tiêu chí sẽ được tiếp tục thảo luận để thay đổi phù hợp với yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo, không lạc hậu với các mô hình giáo dục tiên tiến của thế giới.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội đón nóng diện rộng?
Khi nào Hà Nội đón nóng diện rộng?
TPO - Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong ít ngày qua khu vực Hà Nội duy trì hình thái thời tiết tương đối dễ chịu, như đã dự báo Thủ đô mát trời, ngày hửng nắng nhẹ. Tuy nhiên khoảng từ ngày 17 - 18/4 nền nhiệt khu vực tăng dần lên ngưỡng trên 35 độ C, chuẩn bị đón đợt nắng nóng diện rộng.