Bốn phương án giải quyết số HS trượt tốt nghiệp THPT

Bốn phương án giải quyết số HS trượt tốt nghiệp THPT
Hôm qua, phát biểu tại hội nghị báo cáo viên do Trung tâm thông tin công tác tư tưởng (Ban Tuyên giáo trung ương) tổ chức tại TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua đã bộc lộ “bệnh thành tích” quá nặng và kéo dài.

Những con số tốt nghiệp đẹp của các năm trước đã làm nhiều địa phương không quan tâm đến nâng cao chất lượng giáo dục, triệt tiêu thật sự việc chăm lo cho giáo dục và dẫn đến việc cung cấp cho xã hội nhiều người có bằng phổ thông nhưng năng lực lại không tương đương.

“Đau xót lắm khi mà xã hội gửi gắm con em mình suốt 12 năm trời, nhưng cuối cùng tỉ lệ rớt lên đến 20%. Năm nay ngành giáo dục có thêm học kỳ ba, mình yếu kém thì phải sửa bằng cách dạy hè cho thật tốt”.

Bàn về phương án bồi dưỡng và dạy lại số học sinh rớt tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng Nhân cho biết sẽ có bốn phương án để thực hiện là cho học lại lớp 12 với những học sinh quá yếu, hoặc chuyển qua học hệ bổ túc, học sinh tự ôn tập ở nhà để năm sau thi lại, và những trường có lượng học sinh rớt đông sẽ tổ chức các lớp bồi dưỡng dạy thêm tại trường.

Sáng qua, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác thi đua ngành GD-ĐT năm thành phố trực thuộc T.Ư (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh:

“Từ kết quả học tập của năm nay, tôi đề nghị năm học tới mỗi trường tự đề ra một chỉ tiêu phấn đấu phù hợp với mình chứ không áp đặt một chỉ tiêu chung cho toàn TP. Ngoài việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động hai không, các TP cần “nhấn” thêm chuyện: Nói không với việc vi phạm đạo đức nhà giáo - đặc biệt là cách đối xử của giáo viên với học sinh”.

Riêng về việc phân cấp, tăng quyền chủ động cho cơ sở, ông Nhân tỏ ra đồng tình và yêu cầu năm giám đốc sở GD-ĐT gửi bản kiến nghị chi tiết cho Bộ GD-ĐT trong tuần này: “Chúng ta cứ thẳng thắn với nhau, cấp bộ cần giao những quyền gì, cấp sở thì phân quyền cho cấp dưới nữa như thế nào... Khi giao quyền, Bộ GD-ĐT sẽ để các sở GD-ĐT “quản” những trường ĐH, CĐ ngoài công lập. Bộ GD-ĐT chỉ “quản” trường ĐH trực thuộc T.Ư và trường nước ngoài”.

Ông Nhân cũng cho biết sẽ trình Chính phủ đề án học phí mới vào tháng 7-2007. Ông nhắc nhở các TP phải tự đề ra qui chế về dạy thêm, học thêm của địa phương mình (theo khung của Bộ GD-ĐT): “Nhất là TP.HCM cần có qui chế để trình HĐND TP trong kỳ họp sắp tới chứ không sẽ không kịp”.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG