Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long:

Bước ngoặt trong lịch sử thi tốt nghiệp phổ thông

Bước ngoặt trong lịch sử thi tốt nghiệp phổ thông
TP- Sự thành công bước đầu của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2007 đã được thể hiện khá rõ nét. Tuy nhiên, trước mắt ngành GD&ĐT vẫn còn nhiều việc phải làm để kỳ thi thực sự là thành công.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long - Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo thi của Bộ GD&ĐT đã có cuộc trao đổi với Tiền phong về vấn đề này.

Thứ trưởng có cho rằng, việc tổ chức 6 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông 2007 là thành công?

Không chỉ riêng cán bộ, giáo viên ngành GD&ĐT mới cảm nhận được thành công bước đầu của kỳ thi mà chúng tôi còn nhận được sự chia sẻ niềm phấn khởi của toàn xã hội về kỳ thi vừa qua.

Nó đánh dấu một bước ngoặt hết sức quan trọng trong việc đổi mới công tác tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông. Từ nhiều năm nay, việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông không được nhận thức thật đầy đủ như lần này.

Năm nay, chúng ta đã có sự chia sẻ trách nhiệm, một sự quyết tâm rất cao của toàn ngành và toàn xã hội. Kể cả những người không tham gia kỳ thi, không làm công tác thi cũng hỗ trợ ủng hộ cuộc thi bằng tinh thần hoặc bằng hành động của mình.

Qua các buổi đi kiểm tra ở các địa phương, chúng tôi tận mắt chứng kiến khung cảnh trường thi theo đúng nghĩa trường thi: yên tĩnh và nghiêm túc, ít nhất là đối với vòng ngoài.

Theo tôi, đây là bước ngoặt trong lịch sử kỳ thi tốt nghiệp phổ thông. Vấn đề là làm sao cố gắng duy trì kết quả đó để lịch sử kỳ thi tốt nghiệp phổ thông chuyển sang giai đoạn mới.

Theo ông, những nguyên nhân nào dẫn đến bước ngoặt đó?

Đó là toàn xã hội đã đạt được nhận thức đầy đủ về cuộc vận động “hai không”. Điều này đã tiếp thêm sức mạnh cho ngành GD&ĐT.

Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo thi của Bộ GD&ĐT, ông đánh giá thế nào về vai trò của các bên tham gia tổ chức kỳ thi?

Ở cấp quốc gia, Ban cán sự Đảng của Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng đã chỉ đạo công tác chuẩn bị kỳ thi rất sát sao. Hàng tuần đều họp giao ban. Đối với các địa phương, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh/ thành cũng đều thể hiện thái độ rõ ràng, lòng quyết tâm cao trong các nghị quyết chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT và các ban ngành địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ, đắc lực, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của cuộc vận động “hai không”.

Thứ trường Bộ GD_ĐT Bành Tiến Long

"Năm nay sẽ có kỳ thi thứ hai. Công tác chuẩn bị cho lần thi này đã bắt đầu chưa hay phải đợi khi có kết quả thi lần thứ nhất, thưa ông?

Bộ đã chuẩn bị ngay cho kỳ thi thứ hai đồng thời với việc chuẩn bị kỳ thi lần thứ nhất. Trong hướng dẫn về việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông 2007 của Bộ nêu rất rõ ngày thi, môn thi, thời gian thi.v.v... lần hai. Thậm chí Bộ đã chuẩn bị làm đề thi cho lần hai. Nhưng còn có một việc phải chờ thêm. Đó là xem quy mô thí sinh dự thi đến mức độ nào để chuẩn bị cho công tác tổ chức".

Mặt khác, chúng tôi đánh giá cao về việc các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày bám sát và đưa tin về việc chuẩn bị cho kỳ thi khách quan và rất xây dựng.

Như ông đã nói, sự nghiêm túc của kỳ thi năm nay trước hết thể hiện ở vòng ngoài nhưng bên trong các trường thi vẫn có những phức tạp nhất định. Ở các kỳ thi tiếp theo, Bộ GD&ĐT làm thế nào ngăn chặn tình trạng này?

Sắp tới chúng ta phải tiếp tục tìm giải pháp hữu hiệu. Về giải pháp nội lực, chúng ta phải làm thế nào để các thầy cô giáo trước hết phải làm gương, phải tự giác, có thái độ thật là nghiêm túc, đặc biệt trong thi cử.

Còn ngoại lực, trước hết là đề thi phải đảm bảo tính sàng lọc, phân hoá cao hơn. Bên cạnh đó, sẽ phải huy động lực lượng giảng viên các trường ĐH, CĐ phối hợp với các GV phổ thông cùng tham gia coi thi.

Nhiều ý kiến cho rằng, tổ chức thi tại các trường ĐH, CĐ là rất tốt. Điều quan trọng là phải có giải pháp hợp lý, để thí sinh không phải đi xa.

Thái độ cương quyết xử lý các vi phạm của các cấp quản lý cũng rất quan trọng. Ngoài ra, các văn bản pháp quy phải đầy đủ, chính xác, đảm bảo sự nghiêm minh.

Nếu quyết tâm tổ chức được những kỳ thi nghiêm túc, chúng ta sẽ tạo cho xã hội những con người nghiêm túc. Chính họ sẽ làm thay đổi cơ bản nhận thức trong xã hội về yêu cầu nghiêm túc, trung thực trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

6 môn thi đã kết thúc nhưng kỳ thi chưa kết thúc. Những công việc tiếp theo sẽ là gì, thưa ông?

Công việc trước mắt là chấm thi. Với hình thức thi trắc nghiệm, tôi đảm bảo kết quả chấm sẽ khách quan. Sau khi quét bài làm của thí sinh, dữ liệu sẽ được truyền về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. Như vậy sẽ có phiên bản bài thi thứ 2 ở Bộ. Sau đó địa phương mới tiến hành chấm bằng máy.

Việc chỉ còn 3 môn thi tự luận là một điều kiện tốt để Bộ tập trung lực lượng thanh tra, giám sát việc chấm thi.

Cảm ơn ông.

Quý Hiên
(thực hiện)

MỚI - NÓNG