Cà Mau: Thuê học sinh thi hộ để hoàn thành chỉ tiêu

Cà Mau: Thuê học sinh thi hộ để hoàn thành chỉ tiêu
Còn nhiều trẻ em không được đến trường và không biết chữ nhưng một số địa phương vẫn cố bằng mọi cách đạt chuẩn. Vì thế, đã xảy ra những bi hài kịch Thuê học sinh thi hộ để hoàn thành chỉ tiêu.
Cà Mau: Thuê học sinh thi hộ để hoàn thành chỉ tiêu ảnh 1
Một học sinh bị giáo viên bắt thi thế cho người không quen tại xã Khánh Hòa (U Minh).

Tỉnh Cà Mau phấn đấu đạt chuẩn quốc gia phổ cập trung học cơ sở (PCGD THCS) vào năm 2005. Đến thời điểm này, có 76/89 xã, phường, thị trấn và 4/9 huyện, TP đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS.

Áp lực thành tích nhưng việc tổ chức giảng dạy và học tập không theo kịp nên đã xuất hiện những kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở (BT THCS) bằng cách thuê học sinh phổ thông chép bài giải, để lấy số liệu cập nhật thành tích phổ cập giáo dục.

Dạy ít, thi nhiều

Ngày 20 và 21/8/2005, Sở GD - ĐT thành lập 19 hội đồng thi (HĐT) kỳ thi tốt nghiệp bổ túc trung học cơ sở (BT THCS) tại các huyện nông thôn và TP Cà Mau, có 1.700 thí sinh đăng ký dự thi. Các em học sinh vừa rớt kỳ thi tốt nghiệp THCS vừa qua, học sinh chưa được học đầy đủ chương trình phổ cập vẫn được dự thi.

Tại HĐT tốt nghiệp BT THCS đặt tại Trường THCS Khánh Hòa (U Minh) có cả 65 thí sinh học sinh phổ thông thi hộ. Các em đang làm bài, thầy giáo Dương Đức Tính, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh, làm Chủ tịch HĐT, rời vị trí, đi nhậu với cán bộ lãnh đạo xã.

Em Lý Thị Mùa Xuân, học sinh lớp 8 trường THCS xã Khánh Hòa mang phiếu dự thi vô phòng thi giùm cho Hoàng Chúc Nin, sinh năm 1989, số báo danh 36.

Em Lý Thị Mùa Xuân cho biết: “Thầy giáo Lam đang dạy ở trường Khánh Hòa kêu em và các bạn khác thi giùm bổ túc. Em không biết làm bài thì các thầy giám thị chỉ cho chép”.  

Trường THCS xã Tân Hưng (Cái Nước) tổ chức 2 lớp PCGD THCS kể từ ngày 20/1/2003. Vài chục học sinh các lớp THCS bỏ học giữa chừng theo học. Nhưng vài ngày sau lại bỏ học. Lớp PCGD đóng cửa không dạy nhưng Ban giám hiệu cho sống “trên giấy” để rút tiền, tổ chức thi.

Ngày 20/3/2004, kỳ thi tốt nghiệp Bổ túc THCS tại Trường THCS xã Tân Hưng có 174 hồ sơ thí sinh dự thi. Trường THCS Tân Hưng huy động toàn bộ học sinh khối lớp 9 thi thế, kết quả có 159 thí sinh đậu tốt nghiệp.

Gần 2 tháng sau, ngày 15/5/2004, kỳ thi tốt nghiệp Bổ túc THCS tổ chức tại đây, có 69 thí sinh, chọn học sinh lớp 9 có học lực khá, giỏi thi giùm, mang lại kết quả đậu 100%.

Vào ngày 25 - 26/5/2005, HĐT tốt nghiệp Bổ túc THCS tổ chức tại điểm trường này với 93 hồ sơ dự thi. Vì ngày thi tốt nghiệp Bổ túc THCS trùng với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.

Cà Mau: Thuê học sinh thi hộ để hoàn thành chỉ tiêu ảnh 2
Chị Lê Hồng Việt (đứng giữa) là mẹ của 9 đứa con không một lần đi học

Trường THCS xã Tân Hưng thuê học sinh khối lớp 8, ở gần trường, đi thi với tiền bồi dưỡng 5.000đ/ngày. Cùng dự thi kỳ này, các thí sinh các xã Thạnh Hưng, Tân Hưng Đông, Hưng Hiệp, Đông Thới được trường thuê đò chở đến thi, ăn cơm tiệm.

Huyện U Minh là huyện vùng sâu, vùng xa đã là huyện đầu tiên của tỉnh Cà Mau đạt chuẩn quốc gia PCGD THCS vào tháng 3/2005. Ông Trần Hoàng Lạc, Trưởng phòng GD - ĐT U Minh báo cáo tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, trẻ em 12 tuổi vào lớp 6 đạt 93,79%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS 99,76%.

Nhưng ở nhiều vùng nông thôn vẫn còn nhiều gia đình có con đông không được học hành, đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều trẻ em phải bỏ học giữa  chừng.

Chị Lê Hồng Việt ở xã Khánh Hội (U Minh) có 9 con. Tự chị nói “vui”: “Nhà tôi có đến 11 Tôn Ngộ Không. Hai vợ chồng và 9 đứa con chưa lần nào đi học, đừng nói chi biết chữ…”. 

Ở xã Tân Hưng (Cái Nước) ghi nhận kết quả PCGD THCS có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS là 100%. Bùi Minh Nhạt, 18 tuổi, ở ấp Tân Hoà, xã Tân Hưng là một trong những học sinh bỏ học giữa chừng vừa tốt nghiệp bổ túc THCS “trên trời rơi xuống”.

Hồ sơ của Bùi Minh Nhạt được hợp thức những năm học không học để đưa vào danh sách thí sinh phổ cập dự thi tốt nghiệp Bổ túc THCS tại HĐT đặt tại Trường THCS Tân Hưng, vào ngày 25 - 26/5/2005.

Bùi Minh Nhạt, số báo danh 61, tốt nghiệp 29 điểm. Mẹ của Bùi Minh Nhạt - chị Nguyễn Thị út Mười Ba bày tỏ hoàn cảnh: “Nhạt mới học nửa lớp 8, rồi nghỉ. Nó nói để cho em nó là Bùi Minh Nhòa học.

Nhưng Nhòa không chịu học, chỉ học hết lớp 6 rồi nghỉ, đi chơi. Hai anh em nó còn đi học thì mỗi tháng tốn hơn trăm ngàn đồng tiền đò. Tôi cũng muốn cho con đi học đến nơi đến chốn nhưng không nổi. Cha nó bỏ mẹ con chúng tôi, chỉ có hơn 10 công đất vuông không trúng”.

Bùi Minh Nhạt bỏ học, làm thuê nuôi tôm công nghiệp ở Vĩnh Châu- Sóc Trăng. Người anh của Nhạt là Bùi Minh Nhựt, học lớp 5, mê trâu, nghỉ học, cưới vợ. Người chị kế của Nhạt là Bùi ý Nhi học lớp 6, có chồng, ở trên đầu đất của gia đình.

Phía sau những tỷ lệ đẹp tiêu chí PCGD THCS là những người dân nghèo, trình độ thấp. Những kỳ thi tốt nghiệp Bổ túc THCS không phản ảnh đúng thực chất giảng dạy, học tập, trình độ là lãng phí tiền của đầu tư PCGD ở Cà Mau. 

Ông Lâm Văn Xia, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT cho biết:

“Chúng tôi không chủ trương gian lận, thi thay, thi thế. Nếu phát hiện cán bộ, giáo viên và học sinh thi thay, thi thế phải xử nghiêm theo qui chế thi cử của Bộ GD - ĐT”. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.