Cả trường dựng lều trọ học

Cả trường dựng lều trọ học
TP - Cách TP Thanh Hóa hơn 300 km về phía tây, xã Mường Lý thuộc huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hoá) có hơn 90% học sinh của Trường THCS Mường Lý dựng lều cạnh trường để trọ học.
Cả trường dựng lều trọ học ảnh 1
Một góc khu lều trọ học của học sinh Trường THCS Mường Lý, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) 

Đây là xã được nhắc đến với nhiều “không” nhất như không đường ô tô vào trung tâm xã, không hệ thống nước sinh hoạt, không điện lưới quốc gia...

Năm học 2008- 2009, toàn Trường THCS Mường Lý có 225 học sinh, trong đó chỉ có hơn 10 học sinh ở những bản gần trường là không phải dựng lều trọ học. Ngoài ra, tại Trường Tiểu học Mường Lý cũng có nhiều em phải ở lều trọ học.

Hầu hết các bản của xã đều ở xa trường, có bản cách trường tới 30 km như Sài Khao, Trung Thắng... Xung quanh khu vực trường và ở các khe suối ở bản Nàng 1, Muống 2 có tới 72 lều của học sinh dựng lên để trọ học.

“Mỗi tháng, chúng em thay nhau về nhà mang gạo, muối và cá khô lên lều để ăn. Mỗi lần đi bộ vượt núi, băng rừng về nhà, cả thảy phải mất hai ngày mới trở lại trường học. Vào mùa mưa, có nhiều hôm trên đường về chúng em phải xin ở trọ dọc đường vì sợ nước lũ cuốn trôi” - Em Lương Văn Sơn (lớp 7B), ở bản Trung Tiến 1 tâm sự.

Cả trường dựng lều trọ học ảnh 2
Bữa cơm đạm bạc của ba học sinh ở khu lều trọ học  Ảnh: Hoàng Lam

Cả trường dựng lều trọ học ảnh 3 Ngoài dạy học tại trường, nhà trường bố trí thầy cô giáo thường xuyên kiểm tra việc học tập, sinh hoạt của các em tại lều. Cả trường dựng lều trọ học ảnh 4

Thầy Trịnh Văn Liêm - Hiệu trưởng Trường THCS Mường Lý

Trong túp lều còn ấm bếp lửa, ba em Hoàng Thị Lìm (lớp 1), Hoàng Thị Bình (lớp 5), Hoàng A Tô (lớp 3) đang ăn bữa cơm chiều đạm bạc với món canh rau vừa hái được trong rừng. Học tiểu học nhưng do nhà ở xa trường nên cả ba học sinh này cũng đành phải dựng lều ở khu của các anh, chị lớp lớn để theo học tại trường.

Do không có hệ thống nước sinh hoạt, ăn, uống, tắm giặt phụ thuộc hoàn toàn vào nước từ khe suối.

Nhiều tai nạn xảy ra như cuối năm 2008 em Giàng A Hồ (lớp 6B) đi tắm ở sông Mã bị nước cuốn trôi; đầu năm 2009, Giàng Thị Mỵ (lớp 7B) đau bụng lúc nửa đêm tại lều trọ và chết trên đường đưa đến bệnh viện huyện...

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Nhợi - Phó Chủ tịch UBND Xã Mường Lý - cho biết: “Nếu như Mường Lát là huyện khó khăn nhất tỉnh Thanh Hóa thì Mường Lý là xã khó khăn nhất huyện.

Mường Lý hôm nay còn vô vàn khó khăn do nhiều nguyên nhân như tập quán sinh sống lạc hậu, địa hình và giao thông khó khăn, trình độ dân trí còn rất thấp... Những túp lều xiêu vẹo dễ bén lửa kia, hoặc chỉ cần một trận gió, mưa rừng đổ về là có thể cuốn trôi tất cả”.

Toàn xã Mường Lý có 16 bản, 742 hộ/4.372 khẩu, trong đó có sáu bản người Thái và Mường; 10 bản người Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 85 phần trăm.

Việc chăn nuôi và trồng trọt nơi đây phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, trong khi đó sản phẩm thu hoạch được khó đưa ra ngoài thị trường, hoặc không bán được do đường giao thông cực kỳ khó khăn.

Ngược về xuôi, con đường mòn khúc khuỷu như sợi chỉ nhanh chóng che khuất toàn bộ khu lều trọ học của học sinh Trường THCS Mường Lý. Hơn bao giờ, lúc này các em học sinh mong ước sớm có một ngôi nhà bán trú để thực hiện ước mơ như bao học sinh vùng xuôi.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG