Các giáo sư danh tiếng nói về tăng học phí

Các giáo sư danh tiếng nói về tăng học phí
Tháng 10, Bộ GD&ĐT dự kiến trình Chính phủ Đề án tăng học phí, đồng thời lấy ý kiến nhân dân. Một số nhà khoa học, nhà giáo uy tín đã bày tỏ quan điểm về chủ trương này.

Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Quốc hội: Vấn đề tăng học phí phải được cân nhắc từ hai phía. Thứ nhất, phải phù hợp với khả năng của người dân, đáp ứng được nhu cầu học tập của giới trẻ.

Thứ hai, học phí tạo điều kiện để cùng với kinh phí nhà nước hỗ trợ cho các trường đại học bảo đảm được chất lượng theo nhu cầu xã hội. Học phí tăng là tất yếu nhưng phải làm thế nào đáp ứng, hài hoà được cả hai nhu cầu trên.

Với hoàn cảnh kinh tế của chúng ta hiện nay, nếu có tăng thì cũng ở mức vừa phải, không phải một lúc tăng lên gấp vài lần. Để tăng học phí, một điều quan trọng hơn nữa là phải thay đổi quan niệm về công tác giáo dục đào tạo, đặc biệt là cấp đại học.

Theo tôi, không nên tăng học phí đồng loạt vì nếu làm vậy, xã hội sẽ đặt câu hỏi: “Tăng học phí chất lượng dạy có tăng?”. Trên thực tế, nếu tăng học phí đồng loạt thì toàn bộ chất lượng cũng tăng đồng loạt? Tôi tin là không có. Vì thế, tăng học phí chỉ nên theo hướng: nhu cầu xã hội khác nhau, người có khả năng đóng góp nhiều hơn, rất có thể người ta chấp nhận đóng góp nhiều hơn để được nhận một dịch vụ cao hơn, chất lượng hơn thì học phí tăng ở khu vực đó.

Với giáo dục đại trà, vẫn phải xác định một mức học phí vừa phải, phù hợp với khả năng đóng góp của đông đảo nhân dân lao động.

Tuy nhiên, trước khi tăng nên kiểm tra học phí được sử dụng như thế nào? Cần có đánh giá tổng kết để xem tăng bao nhiêu là vừa đáp ứng yêu cầu, phù hợp với khả năng đóng góp của nhân dân và đáp ứng yêu cầu tối thiểu nhu cầu đào tạo nhân lực.

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng có nói, việc sử dụng học phí ở một số trường đại học chưa đúng với quy định của ngành, chẳng hạn một số trường dùng học phí để chi cho cán bộ công nhân viên, giáo viên mà không chi cho giáo dục đào tạo.

Báo cáo đó rõ ràng đặt ra vấn đề, học phí chưa được sử dụng đúng, vậy tăng học phí có phải khó thuyết phục dư luận?

Cho vay vốn làm tăng trách nhiệm của sinh viên

Các giáo sư danh tiếng nói về tăng học phí ảnh 1
Giáo sư Phạm Phụ. Ảnh: www.sgtt.com.vn

Giáo sư Phạm Phụ, Đại học Bách khoa TP HCM: Các vấn đề cốt lõi của nền giáo dục đại học có thể tóm gọn trong ba từ: Chất lượng, hiệu quả và công bằng xã hội.

Tăng học phí là để đảm bảo nguồn tài chính tối thiểu cho việc đảm bảo chất lượng đào tạo. Đây cũng là xu thế chung trên toàn thế giới trong vài chục năm gần đây, khi mà giáo dục ĐH đã là nền giáo dục cho số đông, đã có tính toàn cầu, “chi phí đơn vị” (cho 1 sinh viên trong 1 năm) tăng lên rất nhanh và dịch vụ giáo dục ĐH được xem là “hàng hóa cá nhân” hơn là “hàng hóa công cộng”.

Mức độ phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam mấy năm trước là khoảng 7 - 8 lần. Sắp tới, mất công bằng xã hội trong giáo dục ĐH sẽ trở nên nghiêm trọng, nếu không có đủ các giải pháp cho bài toán Thiết kế các chính sách để đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục ĐH và công bằng xã hội. Tôi mong rằng, mức độ phân hóa trong giáo dục ĐH sẽ không cao hơn mức độ phân hóa giàu nghèo.

Cách đây vài chục năm, nhiều nước trên thế giới sử dụng chủ yếu chính sách: “Học phí cao, tài trợ nhiều”. Nhưng gần đây xu thế chung là thiết lập các chương trình cho sinh viên vay vốn, hiện đã phổ biến trên 50 nước khắp thế giới.

Cho sinh viên vay vốn, về bản chất là để có thể tăng thêm mức gánh chịu chi phí của sinh viên, giảm bớt mức gánh chịu của ngân sách Nhà nước (người đóng thuế). Cần phải chuyển sự gánh chịu của họ từ hiện tại (trả học phí trước) sang tương lai, khi mà họ đã “có khả năng chi trả”. Có như vậy, một mặt sinh viên nghèo mới không phải bỏ học, mặt khác, việc tài trợ của Nhà nước mới có công bằng hơn so với khi thực hiện chính sách học phí thấp.

Nói học phí thấp là không đúng

Các giáo sư danh tiếng nói về tăng học phí ảnh 2
Giáo sư Văn Như Cương

Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội): Học phí không phải số tiền mấy chục nghìn mà hằng tháng học sinh đóng cho Nhà nước, mà là tất cả số tiền tôi phải chi ra cho con đi học. Đó là tiền đóng góp xây dựng trường, mua sách giáo khoa, nộp quỹ hội phụ huynh, nộp cho cô giáo học thêm, lễ tết thầy cô giáo...

Khi tính toán về học phí, nhà nước cần phải tính toán thực tế người dân phải nộp bao nhiêu và khả năng trả học phí là bao nhiêu chứ không nên tính toán học phí hiện nay chỉ có 30.000 đồng/tháng ở bậc phổ thông, hay 180.000 đồng/tháng ở bậc ĐH. Nhà nước nên thu những khoản đóng góp học phí đó về một mối.

Đối với bậc phổ thông, phải nên xét lại vấn đề tăng học phí để sao cho vừa sức dân. Ngoài ra, không nên thu học phí những bậc học phổ cập giáo dục.

Ngân sách nhà nước cho giáo dục không nên dàn trải mà nên tập trung cho những vùng trọng điểm, chậm phát triển, vùng sâu, vùng xa nhằm nâng cao dân trí, giảm nghèo, xoá mù. Đồng thời, cần đầu tư trọng điểm để đào tạo những người có tài có năng khiếu, tăng cường dạy nghề có chất lượng để “ra lò” những lao động có tay nghề.

Tôi thấy khó tin với việc cho học sinh, sinh viên vay tiền học với mức cao nhất là 800.000 đồng/tháng. Bởi vay thì phải trả nhưng với tình trạng tốt nghiệp ĐH thất nghiệp nhiều như hiện nay thì thật là khó.

Hãy làm một con số tính toán, nếu một sinh viên phải vay để học một năm là 10 triệu đồng thì sau 5 năm người đó phải nợ 50 triệu đồng. Nếu có việc làm ngay thì lương cao nhất cũng chỉ 1 - 1,5 triệu đồng mỗi tháng và chỉ đủ ăn. Cố gắng lắm dành 200.000 đồng/tháng trả nợ. Vậy đến bao giờ mới trả nợ xong?

Để tăng học phí, Nhà nước nên tính toán thật kỹ và làm thế nào để học phí phải được sử dụng đúng mục đích.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.