Các nhà văn và thầy giáo nói về bài văn điểm 10

Các nhà văn và thầy giáo nói về bài văn điểm 10
Thầy Đặng Trần Hành, giáo viên Văn, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hà Nội và nhà văn Phong Thu không thể không có suy nghĩ sau khi đọc bài văn của Trang.

"Trước hết đó là sự vui mừng, ngợi ca tài năng của em, sự giảng dạy của người thầy và nhà trường. Đề bài văn không khó, sáng sủa, không có gì khó hiểu, đánh đố nhưng làm được ba câu trong ba giờ theo yêu cầu của đề như em Thu Trang thì lại là khó thậm chí rất khó.

Thế mà em làm được; lời văn ngắn, gọn, trau chuốt, có tình cảm, dấu chấm câu chuẩn, không mắc lỗi ngữ pháp, nội dung phong phú, hấp dẫn. Em tỏ ra không bị hấp tấp về sức ép của thời giờ. Giỏi quá! Siêu giỏi! Siêu điểm 10.

Tôi cũng hoan nghênh hội đồng tuyển sinh đại học Huế, mạnh dạn, thẳng thắn cho điểm tối đa, một điểm rất hiếm đối với môn văn, nhiều thầy dè dặt khi hạ bút nhất là với kỳ thi đại học. Điều đó cũng thể hiện bản lĩnh vững vàng của đội ngũ thầy giáo.

Tôi muốn báo Tiền Phong cho biết thêm thông tin về em Thu Trang: gia đình, quá trình và phương pháp học tập nhằm giúp cho các học sinh khác noi theo và cả thông tin về người thầy dạy văn kính mến của em, phương pháp dạy của thầy để rút ra kinh nghiệm về dạy và học văn. Nên chăng cũng nói thêm một điểm mà có người đã hỏi tôi: Liệu có “mông má” gì không hay hoàn toàn thực chất?

Tôi mong tài năng về văn của em Thu Trang sẽ được chăm sóc đặc biệt hơn để ngày càng được phát huy hơn nữa.

Cuối cùng tôi hơi có suy nghĩ về đề văn: tuy ra đúng chương trình học, nhưng trong ba giờ với ba câu theo yêu cầu như trong đề tuy không khó nhưng liệu có hơi nặng? Vì viết văn khác với các môn khác còn phải chọn lọc tình tiết, lập luận lô-gích, trau chuốt câu văn, chú ý từng dấu chấm, phẩy…"

"… Tôi nghĩ nghiêm túc thế này: Nếu tôi làm bài văn ấy như em Thu Trang trong phòng thi, chưa chắc tôi đã được 7 điểm!

Với thời gian 180 phút, Trang viết ra được một bài dài ngót 2 trang báo Tiền Phong Chủ nhật, quả là đáng nể. Tốc độ viết nhanh, tư duy cuồn cuộn, trí nhớ ăm ắp, tập trung trí tuệ đến mức cao như thế nào, mới có được kết quả như vậy chứ. Chẳng phải ai cũng viết được như thế đâu.

Bài văn của em đạt điểm 10 là xứng đáng. (Rất quý, rất mừng). Một điểm 10 hiếm hoi là cũng phải với tình hình dạy văn và học văn trong các cấp học ở nước ta qua các kỳ thi càng  lên cao càng ít là đúng thôi. (Là nỗi lo đấy).

Tuy nhiên, tôi có chút suy nghĩ về việc học văn và chất văn ở bài làm của Thu Trang, có thể chưa chính xác dưới đây:

- Tôi có đọc một số bài viết kể và phỏng vấn Thu Trang ở một số tờ báo, có chi tiết này: Thu Trang tự nhận em không đọc nhiều sách văn học các loại, em chỉ học theo sách giáo khoa và mấy  cuốn em kể, vì không có thời gian để mà đọc. Có thể thấy em học văn một cách nghiêm chỉnh như các môn học khác để có đủ lực học tự mình vượt qua các kỳ thi.

Bộ môn Văn không nằm trong định hướng tương lai của em, em hướng tới trường đại học khác không là Sư phạm, không là Khoa học xã hội nhân văn. Nói rõ ra: Em học văn vì bổn phận chứ không tràn trề hứng thú văn chương bởi điều này lẽ khác chứ không tại vì em không thích văn học. Học gì, thi nấy. Đã thi là phải đỗ do làm được bài, ít nhất từ điểm trung bình trở lên. Em đã thực hiện cao hơn thế.

Bài văn điểm 10  vừa rồi, em đâu có chủ đích, chủ định. Đấy là kết quả của sự chăm học, trí thông minh đã và đang có ở em (cùng các phẩm chất tốt đẹp khác).

- Trở lại với bài văn, tôi thấy: Chất văn còn ít, mặc dù nội dung bài tất cả đều đúng. Độ dài của bài chứng tỏ bố cục chưa chặt, còn tãi ra, ý trùng lặp (bớt đi cũng được). Mọi ý tưởng đều là của sách giáo khoa hoặc lời giảng. Chưa thấy hiện ra cái chớp loé, sự thể hiện của riêng người viết.

Trong bài, luôn thấy câu cụt, câu chưa thoát nghĩa. Có từ miêu tả chưa chính xác (vì chỉ mô phỏng theo sách). Ví dụ khi tả lại ấn tượng nạn đói – chết đói năm ất Dậu có cụm chữ: “…thảm hại, thê lương…” và “… tiếng gào thét kinh hoàng của lũ quạ…” … hẳn chưa được phả vào đấy tư duy, cảm nhận của Thu Trang. Rõ là… sách thôi.

Nói: Chất văn, không chỉ là lời văn, câu văn bóng bẩy. Bài viết của Thu Trang thiếu hẳn cái tươi trẻ, hồn nhiên, điều tự thân ở người viết, phản ánh rõ: Học sao, làm bài thế, đúng như sách. Thực tình, học đến độ hiểu, nhớ được những gì đã viết trong bài, là giỏi. Còn ít chăng là hương vị, màu sắc và đôi cánh của ngôn ngữ (từ – chữ).

Điều khiến tôi phải bâng khuâng ấy, không phải tại Thu Trang. Đấy là điều đáng tiếc (chứ không phải là chê) của bài văn – người viết bài thi văn đạt điểm 10 đáng nể ấy ở thời điểm này.

MỚI - NÓNG