Các trường cao đẳng, trung cấp kêu bất cập khi về Bộ Lao động

TP - Chiều 15/5, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban thường vụ Thành Đoàn TPHCM tổ chức gặp gỡ các trường cao đẳng, trung cấp để lắng nghe ý kiến của các trường về vấn đề chuyển giao quản lý giáo dục nghề nghiệp từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH.

Tại buổi gặp gỡ, đại diện nhiều trường cho rằng gặp không ít bất cập khi chuyển từ Bộ GD&ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH. Cụ thể, việc yêu cầu các trường thiết kế lại chương trình là không thể được làm ngày một ngày hai mà cần thời gian và lộ trình. Trong khi đó, việc con dấu có thay đổi không, bằng cấp đóng con dấu nào hiện vẫn còn chưa có hướng dẫn.

“Hiện tại chúng tôi rất chơi vơi. Từ ngày các trường chuyển từ Sở GD&ĐT sang Sở LĐ- TB&XH, chúng tôi chưa thấy tin tức gì. Tôi có cảm giác như các trường đang hoạt động ngoài vòng pháp luật”- ông Nguyễn Bá Cần, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phương Nam nói. 

Ngoài ra, việc quy định các trường đào tạo tối thiểu 35 tín chỉ ở bậc trung cấp cho hệ tốt nghiệp THPT cũng không ổn vì với chừng đó tín chỉ thì người tốt nghiệp không làm được gì. Quy định học sinh tốt nghiệp THPT đào tạo trung cấp chỉ 1 năm, tốt nghiệp THCS đào tạo 2 năm nhưng chưa tốt nghiệp THPT đào tạo bao lâu cũng chưa rõ. “Tôi đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phải thống nhất một chương trình chung, không thể để các trường tự do chương trình học. Bộ Lao động cũng cần thống nhất với Bộ GD&ĐT để học sinh sau khi học xong có thể liên thông để học cao hơn, nhằm đảm bảo quyền được học tập suốt đời”, ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bến Thành bức xúc nói.

Còn ông Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, cho rằng lẽ ra phải thống nhất hệ thống giáo dục về một đầu mối thì nay lại chia tách. “Đây là quyết định sai lầm”- ông nói và cho rằng “việc phân chia có hợp lý không và vì lý do gì đến nay chưa nêu cụ thể”. Một đại diện khác của trường cao đẳng công lập cho biết, sức ép trong mùa tuyển sinh này của các trường cao đẳng, trung cấp là cực kỳ lớn do không có thông tin trong phiếu đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm này của Bộ GD&ĐT. “Chúng tôi kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH phải xây dựng một cổng thông tin chung cho toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, để giúp các trường có thông tin thí sinh, đào tạo cũng như phản hồi với người học”, đại diện này nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.