Các trường mới thành lập mở nhiều ngành "nóng"

Các trường mới thành lập mở nhiều ngành "nóng"
Năm nay, gần 50 trường đại học, cao đẳng mới thành lập hay trường cao đẳng mới nâng cấp lên đại học tuyển sinh năm đầu. Hầu hết các trường mới mở đều xác định sẽ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển với nhiều ngành "nóng".
Các trường mới thành lập mở nhiều ngành "nóng" ảnh 1
Thí sinh dự thi đại học năm 2007. Ảnh Bích Ngọc.

Theo thống kê sơ bộ của Vụ Đại học và Sau Đại học (Bộ GD&ĐT), những trường mới thành lập đều mở các ngành học thuộc lĩnh vực kinh tế tài chính, công nghệ thông tin. Đây là những ngành được coi là nóng hiện nay. Không có trường mới nào thuộc các ngành sư phạm hay y dược.

Ông Huỳnh Công Tính - Hiệu trưởng Trường Đại học Võ Trường Toản, tỉnh Hậu Giang (trường đại học tư thục đầu tiên ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, thành lập tháng 1/2008), cho biết: Dự kiến năm nay trường sẽ tuyển 600 chỉ tiêu các ngành kế toán, tài chính, quản trị kinh doanh, tin học, tiếng Anh, ngữ văn.

Giải thích lý do chọn ngành, ông Tính cho rằng, đây là những ngành ở khu vực có nhu cầu cao. Dựa vào thống kê tuyển sinh những năm qua ở Đại học Cần Thơ cho thấy, chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành này mới đáp ứng được 1/10 số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào.

Một lý do nữa là những ngành này chưa đụng chạm đến thí nghiệm nhiều nên dễ giải quyết. Ngoài lực lượng giáo viên cơ hữu thì có thể mời giáo viên thỉnh giảng từ Trường Đại học Cần Thơ.

"Tâm lý chung của thí sinh là ngại trường mới, lại là năm đầu tiên tuyển sinh nên cũng chưa nói được gì. Nhưng tôi cho rằng, số lượng trường được phép tuyển sinh không lớn so với nhu cầu của thí sinh trong khu vực nên trường sẽ không khó tuyển".

Ông Trần Đức Triển - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Hoa Tiên (Hà Nam) - cho biết, trường dự kiến tuyển 1.000 chỉ tiêu hệ đại học các ngành hệ thống thông tin (250 chỉ tiêu), kế toán (500), tiếng Anh (250). Hệ cao đẳng có 500 chỉ tiêu, trong đó các ngành tin học ứng dụng (150), kế toán (200), tiếng Anh (150).

"Nếu tính chỉ tiêu theo tiêu chí số lượng giảng viên/sinh viên thì chỉ tiêu tuyển sinh của trường có thể thực hiện được tới 1.800 chỉ tiêu. Tuy nhiên, vì là trường mới nên chúng tôi chỉ xin phép tuyển chừng đó".

Về việc chọn ngành để mở, theo ông Triển, trường cũng đã phải tham khảo nhu cầu xã hội, từ số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành này ở trường công lập và ngoài công lập trong những năm vừa qua. Việc phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ tạo nên nhu cầu về lực lượng kế toán trong thời gian tới.

Còn theo bà Vũ Thị Liên - Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam (Hà Tây) - mục tiêu đào tạo của trường là đưa ra nguồn nhân lực có chất lượng cao với những ngành đang khan hiếm nhân lực như tài chính, ngân hàng, kế toán...

Trường đã hợp tác với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) về việc xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành tài chính - ngân hàng - kế toán phù hợp với thực tiễn kinh doanh hiện nay và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Khi đạt chuẩn mà nhà trường và các ngân hàng đã ký kết, sinh viên tốt nghiệp sẽ được tuyển dụng vào làm việc tại các ngân hàng, các công ty chứng khoán trực thuộc.

Hầu hết các trường mới mở đều xác định sẽ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, chủ yếu chờ thí sinh theo NV2.

"Là trường mới, nên chúng tôi cũng xác định mọi việc phải dần dần, phải tự khẳng định. Khi đã có thương hiệu thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn" - ông Triển khẳng định.

Theo Ngân Anh
Lao Động

MỚI - NÓNG